Vì sao Thái Nguyên hiện chưa có dự án nhà ở xã hội đưa ra thị trường?
Nguồn cung về nhà ở xã hội ở Thái Nguyên còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp có sản phẩm đưa vào thị trường.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 khu công nghiệp tập trung và hơn 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số công nhân đang làm việc là hơn 101.000 người; trong đó, hơn 90.800 người là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Sự phát triển mạnh về công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh, điều kiện kinh tế, hệ thống đô thị phát triển đã tạo ra luồng di cư từ các địa phương khác và dịch cư từ khu vực nông thôn tới khu vực đô thị trên địa bàn kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội.
Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng thể, nguồn cung về nhà ở xã hội ở Thái Nguyên còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp có sản phẩm đưa vào thị trường.
Riêng về nhà ở cho công nhân, hiện nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh đã phát triển được hơn 4.600 căn hộ, tương đương với trên 241.000 m2 sàn nhà ở xã hội cho công nhân nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu...
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên, hiện đa số chủ đầu tư của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã thực hiện nghiêm túc quy định bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Tỉnh đã bổ sung quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình nhưng thực tế trong quá trình thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, các cơ quan chức năng của địa phương còn gặp một số vướng mắc liên quan đến việc áp dụng các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội như: số lượng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn hiện nay còn chưa nhiều, chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng chính sách của địa phương; việc thu từ tiền sử dụng đất đối với 20% quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội ở các dự án có quy mô dưới 10ha chưa được hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan...
Trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở xã hội để vay tiền ngân hàng, người mua không thể vay tiền ngân hàng thương mại bằng thế chấp chính căn nhà muốn mua; đồng thời, người mua nhà ở xã hội thường không có thế chấp nào khác nên họ khó tiếp cận được các khoản vay.
Về đầu tư nhà ở xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp, do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao, mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp.
Do vậy, việc kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc về thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư do quy định của pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư còn chồng chéo, chưa cụ thể, quy trình thực hiện nhiều bước, thủ tục phức tạp nên việc thực hiện mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh một số dự án nhà ở cho công nhân, người lao động không chỉ thiếu chỗ ở, mà còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng xã hội, công nhân chưa được đáp ứng những điều kiện tối thiểu như nhà trẻ, các công trình văn hóa.....
Qua khảo sát, tổng số đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn là 37.000 người, bao gồm 16.000 công nhân tại các khu công nghiệp và 21.000 người thuộc các nhóm đối tượng khác có điều kiện thu nhập thấp. Với mức diện tích nhà ở xã hội tối thiểu là 25 m2 thì tổng nhu cầu về nhà ở xã hội trong giai đoạn này là khoảng 925.000 m2 sàn và tổng số khoảng 13.214 căn hộ.
Theo Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Thái Nguyên, nhà ở xã hội được định hướng phát triển tại khu vực phía Nam của tỉnh và đường vành đai 5 là vùng đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ bao gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp như: tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính phủ đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp mua, thuê mua nhà ở xã hội; đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua; bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp; tăng cường hoạt động bảo lãnh tín dụng từ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội....