Vì sao phải dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những kết quả ấn tượng về kinh tế, xã hội sau 5 năm dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân đã khẳng định chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Trung ương.
“Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết sách sáng suốt”
Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sáng 6/4.
Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 03 ngày 14/10/2016) và Nghị quyết số 31 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 về 3 nhóm nội dung thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023 và phát triển năng lượng tái tạo.
Qua 5 năm triển khai kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển vượt bậc, năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 4.300 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015...
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn, hiệu quả bảo vệ môi trường… Hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205 MW, bao gồm 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 4 dự án lưới truyền tải điện tại Ninh Thuận với mục tiêu đóng điện trong năm nay, tích hợp với các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện báo cáo giám sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, xem xét, đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nhất là về vấn đề di dân, tái định cư, quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất sau khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.
Không thể tiếp tục đầu tư “bằng mọi giá”
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án). Theo đó, việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ, an toàn mà lý do chính là do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam.
Theo ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay khác so với năm 2009 - thời điểm quyết định chủ trương dự án. Dư địa tiết kiệm điện thời kỳ này khá tốt, việc mua điện từ một số nước láng giềng, đặc biệt là Lào được tăng cường trong thời gian tới. Đáng lưu ý, việc sử dụng năng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành giảm nhiều so với 5 năm trước đây.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ông Lê Hồng Tịnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đây không phải là quyết định đột ngột, gấp gáp mà sau một thời gian triển khai đầu tư thì thấy vấn đề thể hiện ra là tổng mức đầu tư quá cao, gần gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra.
“Và còn một số vấn đề khác nữa, dù trước đây mình cũng đã lường trước nhưng vẫn thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Đặc biệt là sau sự cố môi trường vừa qua thì thấy chất thải hạt nhân bây giờ, ngay cả trên thế giới công nghệ lưu giữ nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất an toàn”, ông Tịnh nhận xét.
Cũng theo ông Tịnh, ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, kinh tế đang tăng trưởng cao bình quân 7-8%, dự kiến tăng trưởng có thể lên tới 9-10%.
Tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì một GDP tăng trưởng, điện sẽ tăng hai, trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ dao động 6-7%/năm.
Vì vậy, theo ông Tịnh, với công nghệ tiết kiệm điện bây giờ, một cái bóng chỉ 5W hiện nay độ phát sáng cũng bằng bóng 50W, tương tự công nghệ và các thiết bị sử dụng điện tiết kiệm khác cũng đã rất phát triển rồi. Tổn hao điện của ngành điện trước cũng rất lớn (8-10%) nhưng giờ chỉ còn 5-6% mà khả năng còn giảm nữa nên phần này ta cũng tiết kiệm được lượng điện năng đáng kể.
“Vấn đề môi trường, điều mà giới khoa học đã phản biện cho thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Sau vụ Formosa, không thể đùa giỡn với môi trường, dù chúng ta có rất nhiều nghị quyết, luật và tham gia nhiều công ước quốc tế về vấn đề này. Đấy là chưa nói đến yếu tố “địa chính trị” của dự án. Điều không thể phớt lờ.
Không thể tiếp tục đầu tư “bằng mọi giá”, chạy đua như một “hội chứng” của 63 tỉnh, thành phố không có ai làm trọng tài và không kết nối. Ngay cả FDI cũng đã bước sang giai đoạn mới đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu cần thu hút đầu tư, môi trường phải đặt lên hàng đầu”.
Được biết, năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được Trung ương chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW, với sự hỗ trợ của nhà thầu Nga - Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom (Rosatom) để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng. Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy.
Lan Anh