Vì sao nhiều ngân hàng muốn bán vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng?
Thị trường M&A tài chính lại nóng lên khi hàng loạt ngân hàng như VPbank, VietinBank, SHB, MSB, SHB… tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán bớt vốn.
Các ngân hàng rầm rộ tìm đối tác
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được tổ chức mới đây, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại công ty tài chính tiêu dùng Fe Credt.
Ông Dũng nói rằng, trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của công ty tài chính FE Credit. Hiện nay công việc đàm phán vẫn đang triển khai, bước đầu đã có kết quả tích cực.
"Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì FE Credit là ứng cử viên hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng", ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ thêm rằng, do FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tối đa 49% vốn. Trong trường hợp bán đến 49% vốn thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, việc đối tác tham gia đến 49% cổ phần thì ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh.
"Họ cũng sẽ mang tới tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành tới. Đó là điều rất tốt", ông Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, tại đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông của SHB cũng thông qua việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHB FC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Khả năng sinh lời của các công ty tài chính tiêu dùng hiện khá tốt.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho biết: "Việc thoái vốn công ty tài chính sẽ thực hiện tỷ lệ tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài và khẳng định đây là thời điểm thuận lợi để SHB thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược. Hiện đã có đối tác và chúng tôi đang đàm phán, khả năng thành công trong năm 2020", ông Hiển nói
Tại Đại hội đồng cổ đông MSB năm 2020, lãnh đạo nhà băng này cho hay, đã có các cuộc thương thảo để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card. Từ cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định và đang đợi thẩm định.
Trong khi đó, HĐQT VietinBank đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.
ĐQT VietinBank đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.
Lãnh đạo VietinBank cho biết, thời gian tới, sẽ phối hợp với các đối tác nhận chuyển nhượng để chuẩn bị hồ sơ và xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với việc chuyển đổi hình thức pháp lý của VietinBank Leasing. Việc bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp VietinBank Leasing phát triển trong thời gian tới.
Trước VietinBank, từ năm 2016, BIDV đã bán 49% vốn Công ty Cho thuê tài chính BIDV cho Sumitomo Mitsui, cho ra đời Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST. Riêng Vietcombank vẫn sở hữu công ty cho thuê tài chính trực thuộc 100% vốn.
Bán vốn để mạnh hơn
Đánh giá về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất lớn, bởi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân tương đối khả quan. Chính phủ lại có chính sách kích cầu phát triển kinh tế, các tổ chức tín dụng có định hướng đẩy mạnh cho vay cá nhân.
Bên cạnh đó, văn hóa cho vay của người dân cũng đang thay đổi. Khả năng sinh lời (ROE) của các công ty tài chính tiêu dùng hiện khá tốt, năm 2019 là 15-25%, cao hơn nhiều so với ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, nên nhiều nhà đầu tư ngoại muốn nhảy vào, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dư địa lớn, khả năng sinh lời tốt vậy vì sao các ngân hàng lại muốn bán bớt vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng?
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn tại các công ty tài chính của các ngân hàng thực ra là chỉ bán bớt vốn nhằm tăng "sức mạnh" về tài chính và mở rộng quy mô, nhà băng vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu để chi phối hoạt động.
Thực tế, tại các ngân hàng đang tìm nhà đầu tư để bán bớt cổ phần tại công ty tài chính cũng chia sẻ, việc tìm đối tác mới phải đáp ứng được một số điều kiện như với có công nghệ hiện đại, có cùng chiến lược, đồng hành, hỗ trợ và bán chéo sản phẩm cho nhau để cùng "đi đường dài".
Giải thích về việc sử dụng lượng tiền thu được, Chủ tịch VPBank cho biết, với lượng tiền mà ngân hàng mẹ thu được, ngân hàng sẽ có phương án sử dụng nguồn tiền đó hiệu quả nhất. Chẳng hạn tập trung vào các mảng bán lẻ và SME.
Tương tự, SHB cũng cho biết, khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào SHB FC sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho cả SHB và công ty SHB FC. Theo đó, việc thoái vốn sẽ đem lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư đáng kể, đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB. Nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ trở thành cầu nối để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, với sự tham gia của NĐT chiến lược nước ngoài, SHB FC sẽ nâng cao được năng lực quản trị, điều hành với việc tham gia trực tiếp của đối tác nước ngoài có kinh nghiệm tại các thị trường phát triển…
"SHB chọn đối tác trên tinh thần mang lại lợi ích cho SHB, cổ đông. Trong đó, ưu tiên giá tốt nhưng vẫn phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng chiến lược, đồng hành, hỗ trợ và bán chéo sản phẩm cho nhau để thúc đẩy phát triển trong ngắn hạn và chiến lược dài hạn", ông Hiển nói và cho biết thêm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm