Lượng hàng hóa thông qua cảng biển có xu hướng giảm về cuối năm
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 11/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 57,2 triệu tấn.
Trong đó, lượng hàng container thông qua ước đạt hơn 1,8 triệu Teus, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam sụt giảm.
Tháng 11, lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm nhẹ (ảnh minh họa) |
Trước đó, trong tháng 10/2020 lượng hàng qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 57,6 triệu tấn giảm 2%. Trong đó, khối lượng hàng container ước gần 1,8 triệu Teus giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá: "Thông thường, những tháng cuối năm sẽ là thời gian hàng hóa tăng mạnh. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch đến chuỗi sản xuất toàn cầu nên sản lượng hàng hóa bị ảnh hưởng là điều khó tránh".
Mặc dù mức tăng trưởng trong tháng bị ảnh hưởng, tuy nhiên tính chung 11 tháng năm 2020, khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt gần 630 triệu tấn hàng hóa thông qua). Trong đó, khối lượng hàng container ước đạt gần 20 triệu tấn, duy trì mức tăng hai con số (12%) so với năm trước.
Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao là khu vực Quảng Trị (lượng tăng chủ yếu là hàng khô và tổng hợp nội địa do khu vực mới phát sinh hàng xuất khẩu gỗ dăm sang Trung Quốc và hàng cát, thạch cao chở ra Ninh Bình), khu vực Quảng Ngãi (trong đó khối lượng hàng khô, tổng hợp nhập khẩu tăng 432,1% so với cùng kỳ năm trước), Cần Thơ, Mỹ Tho, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình.
Nhiều khu vực cảng biển có khối lượng hàng container thông qua tăng cao như Mỹ Tho, Quy Nhơn, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.HCM.
Trái ngược với hàng hóa, số lượt và sản lượng hành khách qua các cảng biển có sự sụt giảm do chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Tổng số lượt hành khách thông qua cảng biển 10 tháng qua đạt hơn 5,1 triệu lượt hành khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm