Vàng thế giới tụt giá sáng đầu tuần, liệu còn cơ hội phục hồi?
Bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trái chiều, giá vàng thế giới gần đây giằng co trên mốc 1.800 USD/oz, trong khi giá vàng trong nước duy trì chênh lệch cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 17-18 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế giảm, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/7) tăng nhẹ hoặc đi ngang.
Lúc hơn 9h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 6,5 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, tương đương giảm gần 0,4%, còn 1.807,5 USD/oz.
Giá vàng thế giới đã dao động trong khoảng từ dưới 1.900 USD/oz đến hơn 1.800 USD/oz trong vòng 2 tháng trở lại đây. Giá kim loại quý này đã và đang chịu áp lực giảm từ chính sách tiền tệ thắt chặt và sự tăng giá của đồng USD, nhưng mặt khác cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế.
Lạm phát leo thang, nỗi lo suy thoái và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh từ đầu năm đến nay. Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ mới hoàn tất nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970. Giá tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin cũng có quý giảm mạnh nhất hơn 1 thập kỷ, với mức giảm 59,4%. Tuy nhiên, giá vàng đã trụ vững tương đối tốt, chỉ giảm khoảng 1% trong 6 tháng đầu năm.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động trên 105 điểm, giảm nhẹ so với mức chốt của tuần trước. Chỉ số này hiện cách không xa mức đỉnh của 20 năm thiết lập hồi tháng trước.
Giới chuyên gia và các nhà đầu tư hiện đang nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nghiêng về cứng rắn trong chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng sẽ là một sai lầm thực sự nếu không đưa được lạm phát về tầm kiểm soát.
Giới phân tích tin rằng dù giảm giá thời gian qua, vàng đã làm rất tốt trong vai trò kênh đầu tư lưu trữ giá trị. Nhiều chuyên gia dự báo cho dù Fed có thắt chặt mạnh tay đi chăng nữa, giá vàng vẫn nhiều khả năng duy trì mốc 1.800 USD/oz.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng giá vàng sẽ khó bứt phá chừng nào chưa có thêm các số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh và tăng trưởng giảm tốc. Một khi lạm phát qua đỉnh và nền kinh tế tăng chậm lại, Fed mới có thể giãn bớt tiến độ tăng lãi suất, từ đó mở đường cho sự đi lên của giá vàng.
“Chúng ta thực sự cần dữ liệu cho thấy lạm phát đã thực sự đỉnh. Thị trường vàng đang ở trong giai đoạn giằng co vì câu hỏi này không thể được trả lời bằng chỉ một dữ liệu. Cần phải có một số báo cáo nữa, và cả tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định trên trang Kitco News.
Tuần trước, nhà đầu tư trên thị trường vàng đã thể hiện rõ quan điểm thận trọng khi ông Powell nói rằng Fed sẵn sàng đi xa, thậm chí chấp nhận nguy cơ suy thoái kinh tế, để lập lại sự ổn định của giá cả.
“Liệu có khả năng chúng tôi sẽ đi quá xa hay không? Chắc chắn là có khả năng như vậy, nhưng đó không phải là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Sai lầm lớn hơn là khi chúng tôi không lập lại được sự ổn định của giá cả”, ông Powell phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Sintra, Bồ Đào Nha.
Trao đổi với Kitco News, Giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading nhấn mạnh rằng sau khi tái lập mốc 2.000 USD/oz hồi tháng 3, giá vàng đã bị mắc kẹt trong xu hướng “bán khi giá lên”. “Vấn đề của giá vàng là tất cả các đợt hồi phục đều bị coi là cơ hội bán, vì mọi người lo ngại sự cứng rắn của Fed. Vàng sẽ không được ưa chuộng nhiều chừng nào triển vọng kinh tế còn bấp bênh. Chưa kể, còn chưa ai dám chắc lạm phát đã đỉnh hay chưa”, ông Lusk nói.
“Nếu chịu áp lực giảm trong tuần tới, giá vàng sẽ được hỗ trợ ở 1.875 USD/oz. Mức này có thể duy trì nếu tỷ giá đồng USD đạt đỉnh”.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của Oanda.
Theo vị chuyên gia, trong môi trường như hiện nay, giá vàng khó tăng trong một vài tuần tới. Ở thời điểm hiện tại, vàng có khả năng tụt về ngưỡng hỗ trợ 1.780 USD/oz. Nếu mốc này bị thủng, giá vàng có thể trượt về 1.730 USD/oz. Nhưng đó là sàn giá mà ông Lusk cho rằng giá vàng sẽ phục hồi mạnh.
Ông Moya thì cho biết ông sẽ theo dõi mốc 1.875 USD/oz, cho rằng đây là một ngưỡng hỗ trợ quan trọng. “Nếu chịu áp lực giảm trong tuần tới, giá vàng sẽ được hỗ trợ ở 1.875 USD/oz. Mức này có thể duy trì nếu tỷ giá đồng USD đạt đỉnh”, ông nói.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động trên 105 điểm, giảm nhẹ so với mức chốt của tuần trước. Chỉ số này hiện cách không xa mức đỉnh của 20 năm thiết lập hồi tháng trước.
Trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần đây cũng tăng mạnh. Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.160 đồng (mua vào) và 23.440 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức chốt của tuần trước, nhưng đã tăng 50 đồng trong vòng 1 tuần.
Với tỷ giá USD bán ra này, giá vàng thế giới quy đổi hiện là 51 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC bán lẻ 17,8 triệu đồng/lượng. Cuối tuần, chênh lệch là 17,6 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 10h trưa nay (2/7), Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,3 triệu đồng/lượng và 54,05 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,2 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
Phương Mai