Vận tải hành khách công cộng điêu đứng vì Covid-19
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã cắt giảm 20% chuyến lượt (trên 1000 lượt/ngày); ngày 27/3, cắt giảm 80% chuyến lượt và dừng hẳn hoạt động xe buýt từ ngày 28/3.
Chiều 28/7, tại Hội nghị giao ban Thành ủy Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và cắt giảm chi phí quản lý… để ổn định thu nhập cho người lao động.
Vận tải hành khách công cộng điêu đứng vì Covid-19 |
Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội duy trì thực hiện công tác điều hành, kiểm soát chất lượng dịch vụ xe buýt. Tham gia đấu thầu và duy trì hợp đồng vận hành vói toàn bộ 46 tuyến xe buýt đặt hàng chuyển sang đấu thầu; Khảo sát hợp lý hóa các điểm dừng, điểm đầu cuối trên các tuyến buýt; Mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua VN-Pay trên tuyết buýt BRT, 68, 86, City tour; Đầu tư 76 phương tiện mới tiêu chuẩn EURO IV thay thế các phương tiện sử dụng trên 10 năm; Đầu tư bổ sung toàn bộ trang thiết bị công nghệ trên xe buýt theo yêu cầu.
Đáng nói, do tác động của dịch bệnh, sản lượng khách đi xe sụt giảm. Để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, từ ngày 22/3, Tổng Công ty đã cắt giảm 20% chuyến lượt (trên 1000 lượt/ngày), đến 27/3, cắt giảm 80% chuyến lượt và dừng hẳn hoạt động xe buýt từ ngày 28/3 theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Việc cắt giảm lượt chạy dẫn tới tổng Km vận hành thực tế đạt gần 37,7 triệu Km và chỉ bằng 82,8% kế hoạch đề ra. Sản lượng khách vé lượt chỉ đạt 73% so với kế hoạch, sản lượng tem vé tháng ước đạt 437,3 nghìn vé, bằng hơn 58% so với cùng kỳ 2019.
Đặc biệt, các tuyến xe buýt không trợ giá số 86, 68 và City tour có sản lượng, doanh thu giảm sâu so với kế hoạch. Và tuyến xe buýt 2 tầng chưa thể hoạt động trở lại do đối tượng khách quốc tế vẫn chưa được nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động dịch vụ bến xe liên tỉnh phải đóng bến dừng toàn bộ hoạt động sản xuất từ 31/3 đến 22/4 theo quy định giãn cách xã hội. Công ty Bến xe Hà Nội đã chủ động cắt giảm chi phí dịch vụ, hỗ trợ cho các nhà xe vắng khách do hành khách hạn chế đi lại. Các lĩnh vực thương mại dịch vụ, kinh doanh vận tải cũng gặp nhiều khó khăn.
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Tổng Công ty cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai phát triển một số tuyến mới theo kế hoạch của thành phố và Sở Giao thông Vận tải. Đồng thời đề xuất tối ưu hóa, điều chỉnh luồng tuyến, sức chứa phương tiện phù hợp với lộ trình phát triển xe buýt và vận hành đường sắt đô thị; rà soát, sắp xếp lại luồng tuyến, tố ưu hóa, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm