Năm 2020: Xuất nhập khẩu Petrolimex dự kiến điều chỉnh giảm 80% kế hoạch lợi nhuận
Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (Mã chứng khoán: PIT - sàn HOSE) đề xuất điều chỉnh mục tiêu lãi trước thuế năm 2020 về mức 1.5 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến điều chỉnh kế hoạch năm 2020 với doanh thu sau điều chỉnh là 443 tỷ đồng, giảm 231 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,3% kế hoạch doanh thu trong Đại hội đồng cổ đông năm 2020 (ĐHĐCĐ), lợi nhuận trước thuế là 1,5 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 80% so với kế hoạch ĐHĐCĐ năm 2020 đã thông qua.
Doanh nghiệp dự kiến ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách là 6/9/2020 để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian kiểm phiếu là ngày 28/9/2020.
Tính tới 31/12/2019, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp là Tổng công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Petrolimex sở hữu 56,33% vốn điều lệ, ông Huỳnh Đức Thông, Tổng giám đốc PIT sở hữu 5,91% vốn điều lệ...
Như vậy, với việc cơ cấu cổ đông tập trung, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sẽ dễ được thông qua trong thời gian tới.
Xuất nhập khẩu Petrolimex dự kiến điều chỉnh giảm 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2020 (Ảnh minh họa)
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 239,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 0,7 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 52,7% và 74,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 0,5% về chỉ còn 0,3%. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp chỉ hoàn thành được 9,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2020.
Không chỉ chịu tác động của dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty cũng đang gặp không ít khó khăn. Năm 2020, ban lãnh đạo dự báo giá cả hàng hóa của các ngành hàng chủ lực sẽ ở mức ổn định và tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế.
Giá tiêu xuất khẩu dự báo sẽ ở khoảng 39.000-42.000 đồng/kg. Đây là ngành hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, sản lượng và doanh thu tiêu (4.000 tấn và 288 tỷ đồng) năm 2019 giảm đáng kể khi chỉ lần lượt bằng 60% và 46% thực hiện năm 2018. Lý do chính là do giá hồ tiêu toàn cầu đạt sản lượng kỷ lục trong chu kỳ 2017-2019.
Theo đó, giá cả xu hướng giảm và biến động mạnh. Do vậy, Công ty vẫn tiếp tục thực hiện phương thức mua bán thận trọng, các hợp đồng đều ở dạng đối lưng (back to back) để ngăn ngừa rủi ro biến động giá thị trường.
Về các giải pháp thời gian tới, đối với nhóm ngành hàng sản xuất hồ tiêu, cao su, PIT sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng sản xuất tại nhà máy để bù đắp chi phí kinh doanh tăng do giá giảm. Công ty cũng thực hiện quản lý công nợ bán hàng, kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn nhằm tiết giảm chi phí tài chính.
PIT định hướng phát huy hiệu quả của các sản phẩm tiêu sạch vi sinh và các sản phẩm gia vị đóng gói, gia tăng sản lượng với mục tiêu 4 triệu sản phẩm trong năm 2020. Mở rộng hệ thống khách hàng đầu ra và phát triển sản phẩm mới, tập trung vào các thị trường bán lẻ tại Mỹ, Hàn Quốc, Úc.
Với lĩnh vực sơn, bên cạnh Crayola, PIT sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác gia công với các đối tác mới. Trong khi đó, Công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ các nhà phân phối thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đây là kênh phân phối chính trong việc gia tăng thị phần nội địa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm