0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 27/05/2022 08:51 (GMT+7)

Vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử

Để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn tới việc đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống với đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Sẵn sàng tiêu thụ thành công 180.000 tấn vải thiều

Tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hơn 60 điểm cầu chính trong và ngoài nước, trong đó có 13 điểm cầu nước ngoài: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Thái Lan, UAE…; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.

Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm nay chất lượng cao đồng đều do thời tiết thuận lợi và tỉnh đã có kinh nghiệm về kiểm soát các mã vùng trồng.

Theo đó, ước tính sản lượng vải thiều năm 2022 đạt 180.000 tấn. Trong đó, vải thiều sớm khoảng 6.750 ha với sản lượng khoảng 60 nghìn tấn. Vải thiều chính vụ khoảng 21.250 ha, sản lượng khoảng đạt 120 nghìn tấn. Sản lượng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP khoảng 112.900 tấn (chiếm 62,7% tổng sản lượng vải).

Năm 2022, dự kiến tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 108.000 tấn, chiếm tỷ lệ 60%; xuất khẩu khoảng 72.000 tấn, chiếm tỷ lệ 40%. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: MM Mega Market, GO!, Co.opmart...; các chợ đầu mối hoa quả ở TP.Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai...

Vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử - Ảnh 1
Năm 2022, ước tính sản lượng vải thiều năm 2022 đạt 180.000 tấn. (Ảnh minh họa)

Bắc Giang coi trọng tất cả các thị trường tiêu thụ vải, cả trong nước và xuất khẩu. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, địa phương chủ động kết nối tiêu thụ.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Bắc Giang triển khai sản xuất, chế biến nông sản, vải thiều đáp ứng quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm; thông tin về hàng rào kỹ thuật và các điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều vào các thị trường nước ngoài.

Bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp nhận định, muốn vải thiều xuất khẩu vào được bất cứ thị trường nào, trước tiên người dân phải có vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do vậy, bà con cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, đó là chỉ sản xuất vải sạch, an toàn.

Để vải có chất lượng tốt, năm nay huyện Lục Ngạn hỗ trợ các hộ tham gia trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU 50% giá thuốc BVTV; tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và chi phí quản lý, cấp mã số vùng trồng mới. Khảo sát cho thấy, những trà vải thuộc các mã vùng trồng ở các xã: Thanh Hải, Tân Sơn (huyện Lục Ngạn), Phúc Hoà (huyện Tân Yên) cũng được người dân chăm sóc rất tốt.

Nhờ đó, ngay cuối tháng 4, Công ty Cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp đã ký kết thỏa thuận thu mua với nhóm hộ thuộc mã vùng trồng ở các xã này để xuất khẩu sang EU. Tổng sản lượng khoảng 200 tấn với giá thu mua 35.000 đồng/kg, cao hơn từ 5-10.000 đồng/kg so với giá thu mua vải xuất khẩu năm 2021.

Nỗ lực gia nhập thị trường cao cấp

Nhận xét về vải thiều Bắc Giang, ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc Công ty JV Solutions, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều tại điểm cầu Thành phố Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ năm nay tỉnh Bắc Giang tiếp tục chào đón một mùa vải thiều chất lượng cao. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để vải thiều của tỉnh Bắc Giang đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 18 mã vùng trồng với diện tích 218 ha vải thiều, sản xuất, cung cấp cho thị trường Mỹ, EU, Australia. Thị trường Nhật Bản có 30 mã số vùng trồng, diện tích hơn 269 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn.

Sản lượng vải thiều Bắc Giang lớn, mang tính vụ mùa cao, chính vì vậy để việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong nước và xuất khẩu. Với thế mạnh về độ ngọt và hương thơm của trái vải Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là tiền đề tốt cho lợi thế cạnh tranh giữa vải Việt Nam và vải từ các nước khác khi vào Nhật.

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore....; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, khu vực: Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Bà Trần Thị Thu Trang, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan, tại điểm cầu thành phố Bangkok, Thái Lan, cũng cho biết trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan - đầu mối là Thương vụ sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng định hướng phát triển thị trường dài hạn đối với mặt hàng vải thiều tại Thái Lan, chú trọng nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa phương thức tiếp cận, cách thức tiếp thị phù hợp với từng phân khúc khách hàng mục tiêu.

Đồng thời, phối hợp cùng các doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ hàng đầu tổ chức các chương trình tuần hàng gồm nhiều hoạt động quảng bá vải thiều sinh động, tăng tính tương tác với khách hàng, góp phần tăng trải nghiệm và khuyến khích tiêu dùng.

Năm nay, Bắc Giang cũng quan tâm hơn tới việc đổi mới phương thức tiêu thụ vải thiều, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống với đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, địa phương đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất vải thiều tiêu thụ được sản phẩm, với phương châm đồng hành cùng nông dân trong sản xuất tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác.

Để sản phẩm tiếp cận, xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính, Bắc Giang đổi mới xúc tiến thương mại. Trước mắt, tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại xuất khẩu vải sang thị trường Mỹ. Sở đã mời các doanh nghiệp Mỹ trực tiếp đến Bắc Giang khảo sát, ký kết tiêu thụ. Qua đó, Hiệp hội doanh nghiệp người Việt ở Mỹ đã đề xuất một số giải pháp đưa vải thiều với sản lượng ngày càng lớn vào thị trường này; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và doanh nghiệp trong nước để xúc tiến, tăng sản lượng xuất khẩu.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ai là người đứng sau chuỗi cầm đồ F88?
F88 tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông chủ đứng sau chuỗi cầm đồ hiện đại F88 khá kín tiếng và không phải ai cũng biết.
Sản phẩm An Giáp Vương tiếp tục bị 'tuýt còi'
Sản phẩm An Giáp Vương là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên trên nhiều website, sàn TMĐT, mạng xã hội sản phẩm này đang được quảng cáo như một loại "thần dược" khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc có thể chữa được các bệnh hiểm nghèo.

Tin mới