Xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản có triển vọng tốt
Tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản năm 2021 hiện đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản có triển vọng tốt |
20 tấn vải thiều Bắc Giang lên máy bay sang Nhật Bản
Sáng nay (26/5), tại Quảng trường Lương Văn Nắm, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang), UBND huyện Tân Yên phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức “Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản năm 2021”. Đây là năm thứ 2 trái vải thiều Bắc Giang thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản.
Theo ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, kế hoạch đầu tiên dự định sẽ xuất khẩu 15 tấn, nhưng trong lễ xuất khẩu đầu tiên sáng 26/5, phía bạn đã tăng số lượng nhập khẩu lên 20 tấn.
Để đảm bảo hàng nông sản cũng như vải thiều của tỉnh đủ điều kiện lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận đối với sản phẩm, xe hàng, chủ hàng, người vận chuyển, các tình nguyện viên thu mua, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh;
Có phương án xét nghiệm (test nhanh SARS-CoV-2 miễn phí cho chủ hàng, người vận chuyển), cấp giấy chứng nhận an toàn ngay tại trung tâm các huyện để thuận lợi cho các chủ hàng và người tham gia vận chuyển (trên cơ sở kết quả test nhanh của cơ quan y tế cấp huyện và cơ quan y tế cấp tỉnh xác nhận).
“Vải thiều Bắc Giang bao gồm cả vải sớm và chính vụ hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 12 tấn vải đầu tiên của vụ vải năm nay sẽ được xuất đi theo đường hàng không” – ông Dương Thanh Tùng khẳng định.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu chỉ đạo tại Lễ xuất hành vải thiều sớm huyện Tân Yên đi thị trường Nhật Bản |
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh Bắc Giang sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ vải thiều tuyệt đối an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19. Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh tập trung xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Tuấn, 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn có diện tích vải lớn đã quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng; bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn về quản lý mã số vùng an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh bảo đảm quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
"Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải. Việc xuất khẩu chuyến vải thiều sớm sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, người dân Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều"- ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.
Khẳng định thương hiệu quả vải thiều Việt Nam thị trường Nhật Bản
Trước đó, ngày 23/5/2021 lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản đánh dấu cho một mùa vải bội thu và nhiều người tiêu dùng tại Nhật Bản đón nhận.
Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản trong niên vụ 2021 đã có mặt tại thị trường nước này ngày 23/5. Ảnh: Báo Hải Dương |
Quả vải thiều Việt Nam cũng đã gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng qua từng năm cũng góp phần nâng cao nhu cầu mua và ăn vải thiều tại Nhật. Câu chuyện về quả vải tươi của Việt Nam được nhiều người dân Nhật Bản và Việt Nam tại Nhật Bản trao đổi thường xuyên và trở thành đề tài nói chuyện “Câu chuyện làm quà” trước khi trao đổi công việc chính.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), năm nay Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân tại các vùng trồng vải lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho mùa vụ năm nay. Tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.
Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương cũng rất chủ động, hiệu quả trong công tác hỗ trợ xúc tiến bán và xuất khẩu vải thiều. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực kêu gọi các sàn giao dịch thương mại điện tử, các đầu mối thu mua trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài tham gia hoạt động giao thương trực tuyến với các đầu mối xuất khẩu tại các Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều do UBND tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản, như là phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn. Trong mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi thêm thông tin và cập nhật tình hình mua bán thực tế tại thị trường.
Nhật Bản từ trước đến nay luôn nổi tiếng là một thị trường có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, đồng thời người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nhập khẩu. Quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể được cho phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Do vậy, trước tiên phía Việt Nam cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định, đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, có như vậy mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả vài thiều sang Nhật Bản.
Khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Nhật Bản là rất quan trọng, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối tại Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, giúp cho quả vải thiều được nhiều người Nhật Bản biết tới hơn nữa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm