Ứng dụng công nghệ thông tin: Bộ Tài chính dẫn đầu
Xếp hạng nhóm đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của khối bộ, cơ quan ngang bộ lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ TTTT.
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh.
Theo đó, xếp hạng nhóm đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của khối bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi so với 2018, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Xây dựng có chỉ số ứng dụng CNTT thấp nhất trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được xếp loại. Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế vươn lên dẫn đầu, xếp thứ hai là Đà Nẵng và thứ ba là Quảng Ninh.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Bộ Tài chính dẫn đầu |
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Cổng dịch vụ công quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để phục vụ việc quản lý, điều hành của Chính phủ, thời gian tới, các Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; Hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang được tập trung nghiên cứu, thiết lập.
Trong những năm qua, Chính phủ đã có những đầu tư nhất định trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán chưa tạo ra được thay đổi mang tính nền tảng nhằm xây dựng Chính phủ điện tử.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Chúng ta cũng cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển Chính phủ điện tử.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm