0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 17/07/2020 15:23 (GMT+7)

Hà Nội: Nhân rộng mô hình trồng dược liệu hữu cơ ở Sóc Sơn

Những năm gần đây, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển cây dược liệu hữu cơ.

Huyện Sóc Sơn đã thành công khi chuyển đổi từ mô hình trồng sắn kém hiệu quả sang sản xuất cây dược liệu hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xu hướng tiêu dùng của người dân quay lại sử dụng các loại thuốc được bào chế từ dược liệu truyền thống, tiềm năng tiêu thụ cây dược liệu và sản phẩm từ dược liệu rất lớn. Do đó, cần nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ trong thời gian tới.

Nhờ đặc điểm nổi bật về vị trí địa lý, địa hình, đất đai và khí hậu, huyện Sóc Sơn có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển tiềm năng cây dược liệu. Cùng với cơ chế, chính sách của huyện Sóc Sơn và sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển cây dược liệu huyện Sóc Sơn, Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Tuệ Linh, bà con nông dân đã chuyển đổi từ diện tích trồng sắn cho thu nhập thấp sang trồng cây dược liệu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, giúp đời sống của người dân được nâng cao.

Khu vườn trồng dược liệu của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn

Khu vườn trồng dược liệu của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn


Theo số liệu thống kê của Phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện đạt 66 ha, tập trung tại các xã: Bắc Phú, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, Xuân Giang… Các chủng loại dược liệu được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Sóc Sơn phong phú và đa dạng, lên tới hơn 80 loại, bao gồm: Cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, khôi tía, kỳ tử, chi tử, chè hoa vàng, dẻ quạt, bạch hoa xã, nhân trần, đậu biếc, caminea, cát canh, thanh hao hoa vàng, thìa canh, đương quy, sachi, bạc hà, tàu bay, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, râu mèo, kim tiền thảo, thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ, xáo tam phân, cây dây thìa canh ...

Xu hướng tiêu dùng của người dân quay lại sử dụng các loại thuốc được bào chế từ dược liệu truyền thống, tiềm năng tiêu thụ cây dược liệu và sản phẩm từ dược liệu rất lớn. Do đó, huyện Sóc Sơn đang từng bước nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khu trồng dược liệu hữu cơ tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) được coi là vùng trồng dược liệu lớn nhất của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, từ 5ha ban đầu hình thành vào năm 2015, đến nay, hợp tác xã đã phát triển quy mô trồng lên tới 21ha tại xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang. Ngoài những loại dược liệu như: Xuyên khung, khôi tía, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…, hợp tác xã đang trồng và bảo tồn loài trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.

Mở rộng diện tích thâm canh cây dược liệu hữu cơ đồng thời bảo tồn và giữ gìn nguồn gen dược liệu có nguồn gốc bản địa Việt Nam

Mở rộng diện tích thâm canh cây dược liệu hữu cơ nhằm cung ứng cho thị trường, đồng thời bảo tồn và giữ gìn nguồn gen dược liệu có nguồn gốc bản địa Việt Nam


Nói về mô hình trồng dược liệu trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, trước kia, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã vùng đồi, núi rất khó khăn bởi địa chất vùng đồng kém…Thế nhưng, đến nay cây dược liệu đã sinh trưởng và phát triển tốt, chủng loại đa dạng, có giá trị kinh tế đạt 370 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đây là hướng chuyển đổi mới của nông nghiệp Sóc Sơn.

Thời gian tới, nhằm đảm bảo nguồn cung dược liệu cho thị trường, huyện Sóc Sơn đã lên kế hoạch mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở những diện tích đất khó canh tác các loại cây trồng khác. Năm 2020 diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện Sóc Sơn mở rộng từ 50 - 70 ha tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu tiếp theo nhằm bảo tồn gen và tạo ra sản phẩm xuất khẩu.

Để lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng dược liệu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Sóc Sơn đã thực hiện rà soát diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phù hợp trồng cây dược liệu. Do đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển vùng cây dược liệu và công nghệ chế biến dược liệu.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh cây dược liệu theo hướng hữu cơ. Đồng thời khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa Việt Nam. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng sẽ phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn cung sản phẩm.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, huyện Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhân rộng mô hình trồng dược liệu hữu cơ ở Sóc Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023