Công khai, minh bạch thông tin thị trường có ngăn được tình trạng "sốt đất"?
Trước tình trạng sốt đất trong năm 2021, mới đây, Bộ Xây dựng yêu cầu phải công khai thông tin quy hoạch xây dựng, tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án lớn để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ để trục lợi...
Lo ngại cơn “sốt đất” quay trở lại
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, vào thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất ở một số địa điểm thuộc tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%), cùng nhiều nơi khác như Thanh Hóa, TP. Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, tại Hà Nội, thị trường bất động sản Thủ đô cũng “nóng” lên ngay sau khi có thông tin về việc UBND Thành phố đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh nằm ở phía Bắc Thủ đô lên thành phố; đồng thời, chính quyền Thủ đô cũng sẽ nghiên cứu phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" thêm tại phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc).
Theo đó, khu vực trung tâm huyện Đông Anh, giá đất được chào bán có thể lên tới 80-100 triệu đồng/m2 cho nhà mặt đường, 35-40 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ. Còn ở huyện Mê Linh, giá nhà đất được quảng cáo tăng thêm từ 15-30 triệu đồng/m2, cao hơn gấp hai, gấp ba lần so với những năm trước. Thậm chí một số dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cũng được môi giới quảng cáo, thổi phồng giá đất lên đến hơn 50%.
Không chỉ Hà Nội mà thời gian qua giá bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục được đẩy lên. Trong đó giá đất khu vực Thủ Đức trước thời điểm lên thành phố đã liên tục có nhiều đợt tăng giá. Có thời điểm, vị trí đất mặt tiền tại một số đường như Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, thậm chí gần 200 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực khác, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 thì đã tăng lên 70-100 triệu đồng/m2.
Chính những biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua, mà cụ thể là hiện tượng giá đất tại nhiều địa phương tăng cao kéo theo việc các nhà đầu tư đổ xô đi đấu giá, đầu cơ. Do vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và quay trở lại.
"Đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt, kinh nghiệm đã cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009.
Không những thế, nếu vẫn còn tình trạng buông lỏng cho “cò đất” lộng hành thông đồng, dìm giá, thổi giá thì tình trạng xáo trộn trên thị trường bất động sản sẽ còn tiếp diễn”, Bộ Xây dựng phân tích.
Cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật về bất động sản
Nhằm đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Xây dựng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.
Bộ Xây dựng đề nghị sớm hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể là đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án Luật: Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản. Ngoài ra cũng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất.
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu phải công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản mà đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tránh đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Mặt khác với việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng cũng cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi của các đối tượng mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá", tung tin gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2015 và giai đoạn 2022- 2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư triển khai dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia còn chia sẻ thêm: "Nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sốt đất, sốt ảo thì bài toán tốt nhất là phải giải quyết được việc thiếu hụt nguồn cung. Cung thiếu thì bơm cung, tìm các phương án khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án.
Ngoài ra, có thể sử dụng các công cụ sắc thuế. Mọi loại hình mua bán, chuyển nhượng đầu tư kinh doanh nhà đất thì sẽ sử dụng công cụ thuế để điều tiết".