0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 29/01/2021 18:01 (GMT+7)

TP.HCM công khai dự án thế chấp ngân hàng và ‘treo’ sổ hồng cư dân

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vừa ký công văn chỉ đạo các sở ban ngành và UBND quận huyện thực hiện nhiều nội dung liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về nhà ở và thị trường bđs.

Theo đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt thông tin và tình hình diễn biến của thị trường để thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, “bong bóng” bất động sản.

Đồng thời, Sở Xây dựng cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh bất động sản; các dự án vi phạm về xây dựng; dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai; các dự án chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng.

Đối với các dự án đã được giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 10/1/2020, đặc biệt là các dự án nhà ở cao cấp, Sở Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm phối hợp với sở ngành liên quan và UBND quận huyện kiểm tra, rà soát.

Ảnh minh họa. (Internet)

Những dự án nào không triển khai, để đất hoang hoá hoặc triển khai chậm, Sở Tài nguyên Môi trường phải kiên quyết báo cáo để UBND TP.HCM thu hồi theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM còn giao Sở Tài nguyên Môi trường tập trung kiểm tra, công khai danh sách các dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp ngân hàng các dự án chậm tiến độ do vướng thủ tục pháp lý về đất đai, chưa nộp tiền sử dụng đất hoặc chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người dân.

Với số tiền thu được thay vì dành quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới (quy mô dưới 10ha) để đầu tư nhà ở xã hội, Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng khoản tiền này.

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM có không ít chung cư dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chủ đầu tư chậm tiến hành làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân. Đây không phải lần đầu UBND TP.HCM chỉ đạo công khai thông tin. Trước đó, giữa năm 2017, Sở TN&MT đã công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp tại các ngân hàng, nhằm hướng đến hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người tham gia giao dịch bất động sản vì hạn chế thông tin.

Về việc này, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận: Kinh doanh bất động sản là một cuộc chơi đầy rủi ro về dòng vốn cũng như chính sách, việc rao bán các khoản nợ tại các dự án vẫn luôn diễn ra trên thị trường.

Thực tế có hàng chục dự án bị “treo” sổ hồng chỉ vì bị tắc tiền sử dụng đất của dự án, doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc công khai các dự án đang thế chấp là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời, liên tục.

Còn theo luật sư Trần Minh Cường (đoàn Luật sư TP.HCM), pháp luật về kinh doanh bất động sản cho phép chủ đầu tư thế chấp dự án và điều này là hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu chủ đầu tư cố tình giấu thông tin, không minh bạch, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Người đã mua nhà tại các dự án đã đem thế chấp ngân hàng có khả năng đối diện với rủi ro khi chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật về thế chấp tài sản.

“Việc công bố thông tin là tích cực và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc này sẽ giúp người mua kiểm tra được tính khả thi và tính xác thực của mặt hàng định mua”, luật sư Cường nói.

Tuy nhiên, luật sư Trần Minh Cường cũng nhấn mạnh, có những dự án đã thế chấp ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng mua bán với người mua nhà, chủ đầu tư không thông báo cho khách hàng biết, tức là một tài sản nhưng lại lấy tiền của hai bên (ngân hàng và khách hàng). Đây là hành vi vi phạm pháp luật vì theo quy định, tài sản chỉ được bán cho bên mua khi đã được giải chấp ở các tổ chức tín dụng.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM công khai dự án thế chấp ngân hàng và ‘treo’ sổ hồng cư dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới