0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 06/08/2021 08:22 (GMT+7)

Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan

Để xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu của thị trường, thay vì mở rộng diện tích.

Gần 1,5 triệu tấn thanh long "bí" đầu ra

Ngày 5/8, đã diễn ra Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ & Pakistan 2021. Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan đồng tổ chức.

Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan:
Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan

Tại Hội nghị ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thanh long là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam, cũng thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Việc đa dạng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long là hết sức quan trọng.

Hiện thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020.

Bình Thuận, Long An là những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn và đang bước vào vụ thu hoạch. Trong đó, Bình Thuận tính đến tháng 6/2021, diện tích trồng thanh long là 33.750 ha, sản lượng năm nay dự kiến đạt 650.000 tấn quả; Long An cũng dự kiến đạt sản lượng 330.000 tấn quả/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó.

Theo ông Vũ Bá Phú, việc xuất khẩu chủ yếu qua thị trường truyền thống Trung Quốc thời gian qua cũng cho thấy rất rõ nhiều bất cập, nhất là mỗi khi một số cửa khẩu đường bộ tạm ngưng thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tiệm cận với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Tìm cơ hội từ thị trường Ấn Độ và Pakistan

Về thị trường Ấn Độ và Pakistan, lãnh đạo Cục Cục Xúc tiến thương mại nhận định: Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn nên khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Pakistan dù là thị trường nhỏ nhưng cũng có cơ hội cho xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá, với trên 1,36 tỷ người, cộng với việc 60% dân số ăn chay bằng rau quả và trái cây, Ấn Độ là thị trường khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu hoa quả nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, Ấn Độ nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Ấn Độ có nhu cầu khá cao về thanh long khá vì loại quả này có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Năm 2019-2020 xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước ở mức 11,758 nghìn tấn, 9,86 triệu USD, năm 2020-2021 kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước.

Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan:
Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021

Thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, đối với mặt hàng trái cây, năm 2020, Pakistan nhập khẩu 150 triệu USD, đứng thứ 52 thế giới. Pakistan nhập khẩu trái cây chủ yếu từ các nước láng giềng. Dù Pakistan có nhu cầu cao và ổn định với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng nước này chưa nhập khẩu trái cây từ Việt Nam.

Cũng theo bà Hà, nằm trong số ít thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao.

Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Tiên Phong - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan, do Việt Nam chưa xuất khẩu thanh long vào Pakistan nên chưa tạo được sự nhận diện và tạo cầu trên thị trường. Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu thói quen tiêu dùng để tiếp cận thị trường một cách phù hợp.

Nhìn nhận thách thức, đưa giải pháp phù hợp

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, việc xuất khẩu thanh long Việt Nam đang đứng trước một số thách thức. Đó là khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa do dịch bệnh COVID-19 và đây là khó khăn mang tính khách quan, cần tìm biện pháp để tháo gỡ.

"Cần phải tính toán các bước đi đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ. Một trong những giải pháp là phải tìm được nguồn nhập khẩu. Một biện pháp quan trọng nữa là tăng cường hoạt động giao lưu và công tác tuyên truyền, quảng bá", Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.

Ngoài ra, một thách thức mới nảy sinh, đó là Ấn Độ cũng đã bắt đầu trồng thanh long ở một số địa phương. Chính quyền Ấn Độ cũng đã bắt đầu tuyên truyền, quảng bá thanh long như sản phẩm trái cây gốc của họ.

"Đây là thách thức khá lớn đối với người trồng thanh long tại Việt Nam. Việc Ấn Độ từng đề cập đến việc chuyển giao công nghệ trồng và sản xuất thanh long cũng là điều chúng ta nên quan tâm. Có thể nói, chúng ta vừa có cơ hội vừa có thách thức", Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định.

Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ

Về thách thức tại thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng: Thách thức lớn nhất là giữ được thị trường. Ấn Độ có điều kiện địa lý tương đồng với Việt Nam, có vùng 300 ngày nắng/năm phù hợp với cây thanh long. Do vậy, rất khó để doanh nghiệp Việt Nam giữ được thị phần khi Ấn Độ trồng và phát triển được cây thanh long. Cùng đó, sự đoàn kết của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải rất chặt chẽ để giữ uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường .

Ông Bùi Trung Thướng nhận định: Thị trường Ấn Độ sau dịch bệnh sẽ khó khăn do cầu yếu, cạnh tranh giữa các nguồn cung theo đó sẽ gay gắt hơn. Điều này bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải áp dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thúy Vy - Thành viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý: Các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên ưu tiên phương thức thanh toán đặt cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá, nếu thanh long Việt Nam không xuất khẩu được sẽ gây nhiều khó khăn cho người trồng, thậm chí dẫn đến hậu quả về xã hội.

"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ còn khá nhỏ, nhưng chúng tôi ý thức được rằng xuất khẩu thanh long có vai trò quan trọng về kinh tế và ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội. Chúng tôi sẽ đồng hành và phối hợp với các tỉnh, thành trồng thanh long cũng như các cơ quan quản lý Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ", Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Với thị trường Pakistan,bà Nguyễn Thị Việt Hà đánh giá và khuyến cáo: Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động.

Tuy nhiên, tình hình an ninh tại đất nước này khá phức tạp. Rào cản thương mại gồm phá giá đồng tiền quốc gia 50% làm cho giá bán lẻ hàng nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ. Cùng đó là rào cản từ tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) trong nông sản và thực phẩm, quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu.

Theo ông Vũ Bá Phú, để xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu của thị trường, thay vì mở rộng diện tích. Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.

"Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cam kết.

Bạn đang đọc bài viết Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới