Tiền gửi thanh toán của người dân lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng
Tính đến cuối quý I/2022, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán ngân hàng của người dân đã vượt 1,040 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% chỉ sau một năm.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý gần đây. Đặc biệt, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân ghi nhận tăng trưởng dương.
Tài khoản thanh toán cá nhân là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Vì vậy, hơn 1 triệu tỷ đồng kể trên đều là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất phổ biến chỉ 0,1-0,3%/năm. Số dư tiền gửi có kỳ hạn của người dân cũng tăng nhanh trong quý đầu năm nay.
Theo thông tin cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021.
Mặt khác, tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục đà tăng trưởng. Theo đó, tiền gửi của dân cư vào các tổ chúc tín dụng tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng hơn 170.000 tỷ so với thời điểm cuối năm 2021 (tương đương mức tăng 3,28%). Đáng chú ý, mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được cả trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 là 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021. Đáng chú ý so riêng trong tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 230.000 tỷ đồng.
Mức tăng này thậm chí còn cao hơn số tăng của cả năm 2021 trước đó với chỉ 3,08%, chưa bằng 1/5 so với mức tăng trưởng của số dư tiền gửi doanh nghiệp (15,73%).
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của người dân chảy mạnh vào kênh ngân hàng là do mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Nhiều nhà băng chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có tới 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 1,5-2%/năm.
Cùng với đó, dòng tiền cá nhân chảy vào ngân hàng này cũng đến một phần từ dòng tiền bị rút ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm liên tục từ đầu năm, thanh khoản thị trường cũng ghi nhận xu hướng giảm mạnh khi chỉ trên 15.000 tỷ đồng trong tháng 5, thấp hơn gần 44% so với tháng 12/2021 và giảm hơn một nửa so với cao điểm thanh khoản thị trường tháng 11/2021.
Bùi Hằng