Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, giảm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận
Nhiều ngân hàng mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ tháng 4/2022. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng còn điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra trước.
Thanh khoản eo hẹp, lãi suất huy động tăng
Nhiều ngân hàng mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ tháng 4/2022. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay đã thay đổi.
Ngày 1/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới, trong đó tăng thêm 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, tại kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3 điểm % lên 6,8%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2 điểm % lên 6,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,6%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của NamABank cũng tăng 0,3 điểm % lên 6,5%/năm.
Ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng – 15 tháng cũng có lãi suất rất cao là 7,2%/năm.
NamABank vẫn giữ nguyên lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.
Trước đó, Techcombank cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 30/3/2022. Theo đó, ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,8%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 999 tỷ trở lên. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất được niêm yết hiện nay. Đối với khách hàng có số tiền gửi nhỏ hơn, sẽ được hưởng lãi suất 4,7-4,9%/năm, không thay đổi so với trước.
Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 29/3/2021 theo xu hướng tăng.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng khi gửi tiết kiệm online, cao hơn 0,2%/năm so với trước. Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cũng tăng 0,2% lên 6,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên mức 6,6%/năm.
Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất của VietCapitalBank tăng 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng 01 điểm % lên 6,8%/năm. Tại kỳ hạn 18 tháng, 12 tháng đều tăng 0,2 điểm % lên lần lượt 6,8%/năm và 6,6%/năm.
Trước đó, trong tháng 3, hàng loạt ngân hàng như BacABank, MSB, OCB, VietBank, SHB, NCB,… cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi và đa số theo xu hướng tăng, mức điều chỉnh phổ biến là 0,1-0,3%/năm.
Lãi suất huy động tăng thời gian gần đây một phần do thanh khoản của hệ thống có phần eo hẹp vì yếu tố mùa vụ. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo nhận định của các tổ chức tín dụng (TCTD), thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong Quý I/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” nhưng có thu hẹp nhẹ so với thời điểm cuối Quý IV/2021 đối với cả VNĐ và ngoại tệ do ảnh hưởng bởi nhu cầu trả lương, thưởng và thanh toán tăng cao trước và sau Tết Nguyên đán.
Các TCTD dự kiến tình hình thanh khoản trong Quý II/2022 "cải thiện" ở mức độ cao hơn Quý I/2022 và kỳ vọng tiếp tục "cải thiện" trong năm 2022 so với năm 2021 đối với cả VNĐ và ngoại tệ.
Mặt bằng lãi suất cho vay-huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm phần trăm trong Quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% tại kỳ điều tra trước.
Ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2022 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2022 có sự "cải thiện" so với quý trước nhưng chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Dự báo cho thời gian tới, 73,1-80,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.
Trong quý I/2022, hầu hết các TCTD đánh giá cả nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước. Theo các TCTD, trong số các nhân tố khách quan, "Sự cạnh tranh từ các TCTD khác" tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm "suy giảm" tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I/2022 và dự kiến cả năm 2022.
Trong khi đó, "Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị" cùng với "Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp "cải thiện" tình hình kinh doanh của TCTD. Trong số các nhân tố nội tại, nhân tố được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực quan trọng nhất tiếp tục là "Khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm của đơn vị" (76,7% TCTD lựa chọn).
Dự báo về quý II/2022, 57,7% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý I/2022, trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (56,7% TCTD lựa chọn), 33,7% TCTD kỳ vọng "không đổi" và 8,7% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Kết quả điều tra cũng cho biết, các TCTD điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra trước, trong đó, 89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 95% TCTD dự kiến tại kỳ điều tra trước), bên cạnh đó, vẫn có 5,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Trong báo cáo thường niên năm 2021 công bố mới đây cho thấy, trái ngược với các ngân hàng cổ phần, các ngân hàng quốc doanh tỏ ra khá thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng quốc doanh thận trọng trong mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu khi mà nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khá nhiều rủi ro.
“Sự thận trọng của các ngân hàng là điều dễ hiểu khi mà những rủi ro cũ vẫn còn tiềm ẩn, nay lại xuất hiện thêm nhiều rủi ro mới như áp lực lạm phát, bất ổn địa chính trị. Mặc dù lợi nhuận luôn là điều mong muốn của các ngân hàng khi nó là thước đo cao thấp của từng ngân hàng. Song trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cần phải thận trọng trong việc mở rộng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu,” một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Về nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu Nghị quyết 42/2017/QH14 không được gia hạn, thì nợ xấu có thể dềnh lên từ cuối quý III/2021.
Hà Anh