Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó năm 2020 đạt mức tăng trưởng 18%.
Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) hôm nay (22/3) đã tổ chức hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”.
Theo thông tin từ bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, khảo sát 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.
Những con số này chứng minh cho sự lạc quan của bức tranh thương mại điện tử.
“Dù đối mặt với nhiều thách thức bởi Covid-19, doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng”, bà Hà nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó riêng năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, là quốc gia duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện cho sàn thương mại điện tử Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp nên thay thế tâm lý e ngại bằng việc kinh doanh đa sàn (thương mại điện tử) và tận dụng tiềm năng, tối ưu hóa lợi thế từ mỗi sàn.
Với doanh nghiệp mới lên sàn, bà cho rằng cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng… Bà Thư cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ từ các sàn trong việc giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển.
Cũng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu, nhất là khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.
So với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%...
Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) được khởi động từ tháng 1/2022, với tổng vốn viện trợ là hơn 36 triệu USD, dành cho đối tượng là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên toàn thời gian) và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.