Thống nhất thủ tục nhập khẩu đường mía để không bị áp thuế chống bán phá giá
Theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan vừa hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương thực hiện thống nhất thủ tục với các lô hàng đường nhập khẩu để không bị áp thuế chống bán phá giá.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã lên đến 781.334 tấn, tăng đến gần 100.000 tấn so với tổng số lượng đường nhập khẩu trong cả năm 2020 (cả năm 2020 chỉ nhập khẩu 690.025 tấn đường).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đường từ Thái Lan đã giảm xuống còn khoảng 33,64%. Ngược lại, lượng đường nhập khẩu có xuất xứ từ các nước khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia lại tăng mạnh, chiếm 51,09%.
Các chuyên gia trong lĩnh vực mía đường cho rằng, có dấu hiệu của việc đường Thái Lan “đi đường vòng” qua các nước khác để vào Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Việt Nam đang áp dụng đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Bộ Công Thương áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá cho mặt hàng đường nhập khẩu từ 5 nước trong khối ASEAN trong đó có Thái Lan sau khi khối lượng nhập khẩu đường của Việt Nam tăng đột biến nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận thương mại thông qua xuất xứ hàng hóa.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/06/2021 và Quyết định số 2171/QĐ-BCT ngày 21/09/2021 đối với một số sản phẩm đường mía nhằm điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Các đơn vị thực hiện kiểm tra xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài Chính đối với C/O mẫu D có chứng từ tự chứng nhận, chữ ký tay xuất xứ hàng hóa; C/O mẫu D khai bác tiêu chí xuất xứ thuần túy (WO), RVC 100%.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị hải quan của địa phương kiểm tra chặt chẽ các thông tin khai báo trên CO với hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu và gửi về Tổng cục Hải quan để xác minh C/O trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi ngờ về thông tin khai báo, khác biệt so với tờ khai và hồ sơ hải quan.
Các hồ sơ báo cáo xác minh gửi qua Cục giám sát quản lý về Hải quan theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư số 38/2018//TT-BTC. Thời gian chờ kết quả xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ, lô hàng áp dụng thuế suất MFN theo quy định tại khoản 7 Điều 19 Thông tư số 38/2018/TT-BTC.