Thiếu giải pháp thu gom và xử lý rác thải điện gió và điện mặt trời Việt Nam
Các chuyên gia dự báo với tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh hướng dẫn quản lý, phân loại chất thải và tăng cường các giải pháp xử lý cuối vòng đời cho hệ thống điện mặt trời và điện gió.
Dự báo điện mặt trời sẽ tăng trưởng trong tương lai
Mới đây, chiều 13/12, tại Hội thảo về kết quả nghiên cứu "Giải pháp cuối vòng đời của hệ thống điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam" do Viện Năng lượng, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hợp tác thực hiện, bà Hoàng Anh, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Năng lượng cho biết, thời gian qua, nhờ các chính sách khuyến khích, điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Cụ thể, đến cuối năm 2020, tổng công suất đạt 16,640 GW. Công suất điện mặt trời mái nhà 7,780 MW.
Hiện, các nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà đều đang phát triển và hầu hết các hệ thống mới được vận hành khoảng 3 năm. 28 triệu tấm quang điện mặt trời được lắp đặt tại các nhà máy điện. 17,5 - 23,5 triệu tấm quang điện trong hệ thống điện mặt trời mái nhà (công suất 7,7 GW). Hầu hết các nhà máy điện mặt trời vẫn đang trong thời hạn bảo hành.
Dự báo, điện mặt trời sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chính sách của Chính phủ và kinh tế thị trường. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt điện mặt trời sẽ tăng từ 16,6 GW lên 20.1 GW vào năm 2021 – 2030 và 71.9 GW vào năm 2045 theo kịch bản cao. Với một tấm quang năng có công suất 330 – 440W, sẽ đạt 50.9 – 62.1 triệu tấm quang điện vào năm 2030 và lên đến 150 – 220 triệu tấm quang điện vào năm 2045, bà Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Trương Việt Trường, đại diện Cục kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp cho biết, hực tế, tấm quang điện và tuabin gió cuối vòng đời chứa các vật liệu có giá trị (thuỷ tinh, thép, nhôm, đồng, silica, kim loại hiếm…) mà việc tái chế và tái sử dụng cho phép tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, tại Thông tư 36/2015/TT-Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, các tấm quang điện thải bỏ được coi là chất thải nguy hại trừ khi các thành phần chứa vật liệu nguy hại không được loại bỏ và xử lý đúng cách.
“Hầu hết các tấm quang điện có tuổi thọ khoảng 25 năm. Dự án đầu tiên khánh thành năm 2019. Như vậy, các tấm quang điện hết hạn sử dụng vào khoảng những năm 2040. “Từ nay tới năm 2040 là khoảng thời gian đủ dài để các Bộ, ngành và các bên liên quan nghiên cứu, xây dựng các giải pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp đối với các tấm quang điện mặt trời hết hạn sử dụng phải thải bỏ”, ông Trường nhấn mạnh.
Mặc dù đã các quy định rõ ràng về quản lý chất thải điện mặt trời, điện gió, bao gồm các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư điện mặt trời, điện gió và trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong kế hoạch xây dựng điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam như về khuôn khổ pháp lý cụ thể trong quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, cơ sở pháp lý cho việc phân loại chất thải từ điện mặt trời, điện gió vẫn chưa có.
Theo đó, việc thu gom và xử lý chất thải điện mặt trời, điện gió còn thô sơ, cần có quy trình đồng bộ, hiện đại. Và đặc biệt, Việt Nam chưa có công nghệ xử lý, tái chế chất thải từ các loại này, vẫn còn ở sơ khai.
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, bà Deepali Sinha, chuyên gia quốc tế cho rằng, giải pháp quản tấm quang điện mặt trời hết niên hạn trước tiên cần thực hiện từ giải pháp giảm thiểu/ngăn ngừa như phát triển công nghệ để giảm kích thước và trọng lượng trên mỗi KW công suất phát - các nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn. Tái sử dụng và nâng cấp mô đun để kéo dài tuổi thọ chức năng. Bên cạnh đó, tái chế cũng được xem là giải pháp quan trọng.
Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng hướng dẫn quản lý và phân loại chất thải; Thiết lập hệ thống đăng ký cơ sở xử lý chất thải được cấp phép; Tăng cường thu gom và xử lý chính thức chất thải cuối vòng đời của điện mặt trời và điện gió; Giảm thiểu việc chôn lấp và đốt chất thải; Tăng cường các quy chuẩn kỹ thuật cho tái chế và phục hồi; Xây dựng và thực hiện các văn bản pháp quy; Thiết lập cơ chế tài chính thông qua trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bà cho biết thêm.
Theo đó, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhấn mạnh, Việt Nam đang tăng dần tỷ trọng năng lượng gió, điện mặt trời trong tương lai, đây sẽ là tiền đề, cơ sở để các nhà nghiên cứu trong nước chỉnh sửa, tiếp thu, hoàn thiện các nội dung liên quan. Đồng thời sẽ đưa ra đề xuất các giải pháp, lộ trình cũng như các góp ý về chính sách để có sự sẵn sàng trong thời gian tới.