0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 26/02/2022 16:18 (GMT+7)

Thị trường phân bón, dầu thực vật tăng vọt vì cuộc xung đột cực nóng Nga-Ukraine

Thị trường phân bón, dầu thực vật đang dần nóng lên vì cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá các loại phân bón chủ lực đang tăng vọt do lo ngại cuộc xung đột này sẽ cắt giảm và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Giá phân bón chủ lực tăng vọt

Giá các loại phân bón chủ lực đang tăng vọt do lo ngại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ cắt giảm và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm nitơ lớn nhất thế giới. Với diễn biến mới, nguy cơ gián đoạn hàng hóa xuất hiện do chi phí sản xuất phân bón vốn đã tăng cao bắt nguồn từ giá khí đốt tự nhiên tăng cao ở khắp châu Âu từ năm ngoái, khiến một số nhà máy đã buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng.

tm-img-alt
Giá phân bón chủ lực tăng vọt. Ảnh: Minh họa.

Ngoài ra, sự gia tăng đột biến đối với các loại vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất dinh dưỡng tiếp tục làm dấy lên những lo ngại mới về lạm phát lương thực gia tăng khi giá lương thực thực phẩm leo thang do giá cây trồng tăng cao.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến cổ phiếu của nhà sản xuất phân đạm hàng đầu thế giới là CF Industries Holdings Inc tăng lên mức kỷ lục, và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung phân bón cho cây trồng trên toàn cầu.

Nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc hãng Green Markets cho biết, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tiếp tục áp đặt thêm "các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" đối với Nga sẽ khiến cho tình hình thêm ảm đạm.

"Lượng phân bón xuất khẩu giảm sẽ thắt chặt cán cân ở các thị trường nông sản Bắc bán cầu, vì mùa tiêu thụ chính ở đây bắt đầu vào quý 2, đồng thời mang lại lợi ích cho các công ty phân bón ở Bắc Mỹ như CF Industries, Mosaic và Nutrien", ông Maxwell nói.

Giá cổ phiếu của CF Industries, trụ sở tại Deerfield, bang Illinois hôm qua đã tăng 7,2% lên 79,81 USD. Trong khi cổ phiếu của Mosaic Co, một "ông lớn" phân bón khác cũng chứng kiến ​​mức tăng tới 6,4%, và Nutrien Ltd tăng tới 4,2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga cho biết "Nhu cầu sử dụng Ammonium nitrate đã tăng lên trên thị trường nội địa (Nga), trong cả lĩnh vực nông nghiệp lẫn lĩnh vực công nghiệp".

Các doanh nghiệp sản xuất và phân bón trên toàn cầu hiện theo dõi sát các động thái của Nga nhằm xác định giá phân bón. Hồi tháng 12/2021, Nga đã áp dụng các biện pháp giới hạn xuất khẩu phân đạm, kéo dài cho đến tháng 6/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón trên thị trường nội địa. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.

Thị trường dầu thực vật bắt đầu “nóng”

Sự không chắc chắn về nguồn cung dầu hướng dương do xung đột giữa Nga và Ukraine đang thúc đẩy nhu cầu đối với dầu cọ và dầu đậu nành.

Biển Đen chiếm 60% sản lượng dầu hướng dương thế giới và 76% xuất khẩu, do đó, sự không chắc chắn do cuộc khủng hoảng trong khu vực gây ra có thể ảnh hưởng đến sản xuất và vận chuyển dầu hướng dương, thúc đẩy người mua tìm kiếm các loại dầu thay thế.

Các nhà phân tích và thương nhân cho biết, giá dầu cọ và dầu đậu nành tăng vọt có thể đạt mức cao kỷ lục mới trong ngắn hạn và bóp nghẹt người tiêu dùng châu Á và châu Phi nhạy cảm với giá cả vốn đang quay cuồng vì chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

tm-img-alt
Thị trường dầu thực vật bắt đầu “nóng”.

James Fry, Chủ tịch Công ty tư vấn hàng hóa LMC International, nói với Reuters: “Chúng tôi đang đối mặt với một cơn bão hoàn hảo".

Người mua đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung thay thế sau khi Indonesia, nước xuất khẩu dầu cọ hàng đầu - loại dầu ăn được sản xuất nhiều nhất - hạn chế xuất khẩu trong năm nay. Cùng lúc, hạn hán làm giảm sản lượng của dầu đậu nành - loại dầu ăn được sản xuất nhiều thứ hai - ở Nam Mỹ.

Sandeep Bajoria, Chủ tịch Hiệp hội Dầu Hướng dương Quốc tế (International Sunflower Oil Association) cho biết việc bốc dỡ hàng từ tàu dầu hướng dương đã bị trì hoãn ít nhất một tuần từ Ukraine.

“Dầu hướng dương hiện là loại dầu ăn rẻ nhất, nhưng người mua nghi ngờ về việc giao hàng. Họ đang hướng tới dầu đậu nành và dầu cọ”, Bajoria, người cũng là giám đốc điều hành của một trong những công ty môi giới dầu ăn lớn nhất của Ấn Độ, Sunvin Group, cho biết. Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu ăn hàng đầu thế giới.

Các thương nhân cho biết dầu cọ và dầu đậu nành thô đang được chào ở mức kỷ lục 1.700 USD/tấn - bao gồm chi phí, bảo hiểm và cước phí (CIF) - tại Ấn Độ cho các lô hàng trong tháng 3, so với mức giá 1.620 USD/tấn đối với dầu hướng dương thô.

Tuy nhiên, theo Sudhakar Desai, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật Ấn Độ (Indian Vegetable Oil Producers’ Association - IVPA) cho biết: “Trong ngắn hạn, nguồn cung cấp dầu hướng dương có thể bị gián đoạn, nhưng một khi tình hình bình thường trở lại, nguồn cung cấp dầu hướng dương sẽ tăng lên".

Xuất khẩu dầu hướng dương từ Ukraine có thể tăng lên 6,6 triệu tấn trong năm tiếp thị 2021 - 2022 từ mức 5,3 triệu tấn trong năm tiếp thị 2020 - 2021, nghiệp đoàn các nhà sản xuất dầu hướng dương Ukraine ước tính.

Trong khi sự không chắc chắn xung quanh các lô hàng dầu hướng dương ở Biển Đen vẫn còn, giá dầu ăn toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trừ khi Indonesia dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, một đại lý có trụ sở tại Mumbai với một công ty thương mại toàn cầu cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường phân bón, dầu thực vật tăng vọt vì cuộc xung đột cực nóng Nga-Ukraine. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới