0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 25/02/2022 17:02 (GMT+7)

Những biến động bất thường trên thị trường toàn cầu do căng thẳng leo thang tại Ukraine

Từ châu Á, Âu tới Mỹ, các thị trường tài chính chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ, tiền số lao dốc, giá vàng tăng "phi mã"...sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào miền Đông Ukraine.

Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá dầu ở thị trường châu Á tăng gần 3%

Giá dầu Châu Á tăng gần 3% trong phiên chiều 25/2 trước những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung toàn cầu do tác động của các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga.

Vào lúc 14 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,81 USD hay 2,8%, lên 101,89 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,37 USD hay 2,6%, và được giao dịch ở mức 95,18 USD/thùng.

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết các nhà đầu tư ở châu Á, với tâm lý lo ngại về tình hình căng thẳng tại Ukraine, đã ồ ạt tìm đến dầu trong phiên hôm nay, khiến giá dầu một lần nữa tăng mạnh.

Chuyên gia này nhận định tình hình căng thẳng ở Ukraine sẽ khiến giá dầu tăng lên, cũng như khả năng gián đoạn nguồn cung, vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường “vàng đen” đã thắt chặt do nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung căng thẳng trên toàn cầu.

Ông dự đoán giá dầu Brent sẽ biến động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong vài tuần tới.

Trong ngày, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao trong tương lai tăng hơn 5% lên mức 96,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng tăng hơn 5% lên mức 102,06 USD/thùng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Được xem là kênh trú ẩn an toàn, giá vàng giao ngay tăng hơn 1,7%, lên mức cao chưa từng thấy kể từ đầu tháng 1-2021.

Giá khí đốt giao trước một tháng theo hợp đồng tại Trung tâm TTF Hà Lan (giá tiêu chuẩn cho khu vực châu Âu) có thời điểm tăng thêm 31%, lên mức 130,44 USD/megawatt-giờ (MWh). Theo báo The New York Times, Nga chiếm hơn một phần ba nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu, với một phần trong số này chạy qua các đường ống ở Ukraine.

Giá đồng bạc xanh cũng tăng tới 10,45% so với giá đồng rúp của Nga, lên mức 1 USD đổi 89,89 rúp trong lúc đồng euro giảm 0,8%, xuống mức 1 euro đổi 1,1220 USD. Tâm lý bất an cũng bao trùm các thị trường tiền điện tử, đẩy Bitcoin xuống mức dưới 35.000 USD/đồng lần đầu tiên trong một tháng.

tm-img-alt
Từ châu Á, Âu tới Mỹ, các thị trường tài chính chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ sau khi Nga tấn công Ukraine, nhưng càng về cuối phiên dòng tiền bắt đáy càng tham gia mạnh. (Ảnh minh họa)

24 giờ rực lửa của thị trường tài chính toàn cầu

Căng thẳng leo thang tại Ukraine khiến Phố Wall mở phiên 24/2 trong sắc đỏ. Áp lực bán tháo mạnh khiến các chỉ số chủ chốt đều lùi sâu. S&P 500 giảm 2,5% khi mở cửa, đi sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số này tính tới đầu phiên hôm qua đã giảm gần 14% so với mức đóng cửa kỷ lục vào ngày 3/1.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones có thời điểm giảm hơn 800 điểm, tương đương 2,4% và mất khoảng 12% so với kỷ lục trước đó. Nasdaq Composite giảm 2,5% vào đầu phiên, bước vào "lãnh thổ thị trường gấu" sau khi mất hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 11/2021.

Động thái của Nga "thực sự tồi tệ hơn dự báo của chúng tôi và cả thị trường. Chúng ta đang nói về mức giảm 5% đến 6%. Điều này có thể khiến thị trường giảm gần 20% hoặc bước vào thị trường giá xuống", Binky Chadha, chiến lược gia toàn cầu tại Deutsche Bank, đánh giá.

Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, lợi suất giảm do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Động thái này đã đảo ngược đà tăng của lợi suất, vốn đã đạt mức hơn 2% với kỳ hạn 10 năm trong phiên giao dịch trước đó. Vàng, một kênh "trú ẩn an toàn" khác, cũng tăng 3,2% lên 1.970 USD mỗi ounce.

Chỉ số CBOE, thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng vọt lên trên mức 37 vào thứ năm, gần chạm mức cao nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi đóng cửa, lực mua ồ ạt bắt đáy khi thị trường giảm sâu đã kéo Phố Wall trở lại sắc xanh trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư.

S&P 500 vọt lên hơn 63 điểm, đóng cửa tăng 1,5%. Nasdaq Composite có thêm 3,3%, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng trở lại sắc xanh. "Cổ phiếu không phải lúc nào cũng di chuyển theo cách chúng ta mong đợi", Callie Cox, nhà phân tích đầu tư của eToro Mỹ, cho biết.

Các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ có phiên biến động mạnh. Amazon, Netflix, Alphabet và Microsoft đều đóng cửa cao hơn dù lao dốc vào đầu giờ vì áp lực bán tháo. Cổ phiếu Netflix tăng 6,1%, Microsoft tăng 5,1%. Alphabet - công ty mẹ của Google và Meta có thêm lần lượt 4% và 4,6%. Giá dầu thu hẹp đà tăng nhưng vẫn duy trì sát ngưỡng 100 USD mỗi thùng.

Khác với Phố Wall, phép màu không xuất hiện với chứng khoán châu Âu. Các thị trường chính của khu vực này bị bán tháo mạnh khi mở cửa phiên 24/2, sau khi Nga biến cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài tại Ukraine thành một cuộc xung đột về quân sự.

Chỉ số European Stoxx 600 giảm 3,6% xuống mức thấp nhất trong năm. FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh), DAX Index của Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) cùng giảm gần 4%. Đà giảm được duy trì cho tới khi đóng cửa.

VanEck Russia ETF, một quỹ ETF chuyên đầu tư vào các công ty hàng đầu của Nga, đã giảm gần 16% trong phiên hôm nay. "Trường hợp xấu nhất là Nga đổ bộ Ukraine bên ngoài các khu vực ly khai, điều này sẽ trở thành một cú sốc đối với thị trường chứng khoán và dầu mỏ", Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết.

Theo chuyên gia này, trước tình hình kinh tế không chắc chắn và ảnh hưởng tiêu cực như vậy, Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chỉ 25 điểm phần trăm vào tháng 3, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục.

Trước đó, tại thị trường châu Á và đặc biệt tại Nga, sắc đỏ bao trùm. Các thị trường lớn của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm mạnh. Chỉ số RTS của Nga có lúc giảm đến 49,93%, với vốn hóa thị trường ước tính "bốc hơi" 250 tỷ USD.

Tương tự chứng khoán, tiền số cũng rực lửa. Bitcoin giảm mạnh 6,5% xuống 35.200 USD khi nhà đầu tư rời xa các tài sản rủi ro. "Các nhà đầu tư sẽ thấy còn các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Nga và điều này có thể làm chậm tăng trưởng, để lại áp lực tăng giá hàng hóa", Dennis DeBusschere của 22V Research nhận xét.

Theo ông, cuộc khủng hoảng này diễn ra trong bao lâu sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới lạm phát, các điều kiện tài chính và tăng trưởng. Trong ngắn hạn, một đợt dịch chuyển đến các kênh đầu tư an toàn có nghĩa là lợi tức trái phiếu kho bạc giảm, kỳ vọng tăng lãi suất và tài sản rủi ro sẽ bị bán tháo.

Giá vàng SJC lập kỷ lục

Thị trường vàng đã chứng kiến một ngày tăng giá kỷ lục. Giá vàng SJC tăng 700.000 đồng/lượng lên 64,3 triệu đồng/lượng vào đầu ngày. Đến buổi trưa, giá vàng SJC đã tăng thêm 600.000 đồng/lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới lên mức 64,9 triệu đồng/lượng. Đến chiều, tuy giá vàng quốc tế có dấu hiệu khựng lại nhưng giá vàng SJC vẫn tăng tiếp 600.000 đồng/lượng, chốt ngày tại 65,5 triệu đồng/lượng, mức giá cao chưa chưa từng có tại Việt Nam. Tính chung cả ngày, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 1,9 triệu đồng/lượng.

Trước đà tăng nóng của vàng SJC, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K cũng vượt qua 55 triệu đồng/lượng (5,5 triệu đồng/chỉ).

Trên thị trường quốc tế, giá vàng trong ngày 24/2 đã tăng "phi mã", lên mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua. Lúc 16 giờ (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.940 USD/ounce, tăng 30 USD/ounce so với mức giá đầu ngày. Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 53,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 11,5 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá vàng nóng lên, nhà đầu tư tìm đến kim loại như một kênh trú ẩn an toàn. Điều này tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, việc giá dầu thế giới tăng cao cũng góp phần "đốt nóng" giá vàng.

Theo ông Thịnh, người dân không nên mua vàng lúc này vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới hàng chục triệu đồng/lượng. Nếu nắm giữ vàng, người mua có thể gặp thiệt thòi rất lớn một khi thị trường đảo chiều.

Bạn đang đọc bài viết Những biến động bất thường trên thị trường toàn cầu do căng thẳng leo thang tại Ukraine. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới