0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 17/10/2021 10:33 (GMT+7)

Thị trường M&A sẽ sôi động trở lại và phát triển mạnh mẽ vào năm 2022

Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021

Hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại

Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã tác động to lớn đến nền kinh tế trong nước và ngoài nước, tuy nhiên cũng chính từ những sự khó khăn, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự đứt gãy đột ngột của các chuỗi sản xuất, phân phối lại càng tạo ra nhiều động lực lớn hơn để các doanh nghiệp Việt Nam cùng ngồi lại, hợp tác với nhau thông qua các hình thức tập trung kinh tế, mua bán sáp nhập (M&A).

Cụ thể năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Giá trị có phần giảm so với cùng kỳ, song năm 2019 vẫn ghi nhận những dấu hiệu lạc quan khi các tập đoàn kinh tế lớn trong nước bắt đầu tham gia vào những thương vụ bom tấn, bên cạnh sự góp mặt thường xuyên của các nhà đầu tư nước ngoài.

M&A là cơ hội tuyệt vời để dọn dẹp doanh nghiệp sau “cơn bão” - Ảnh 1
Bước sang năm 2020, đại dịch bất ngờ xuất hiện và lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất mạnh, đe dọa đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động M&A nói riêng.

Trong bối cảnh đó, thị trường M&A tại Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng, giá trị các thương vụ thâu tóm, sáp nhập đều sụt giảm khá nhanh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng, đồng thời việc giãn cách xã hội cũng gây trở ngại cho những chuyến khảo sát, tìm hiểu và đánh giá trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Kết thúc "năm Covid-19 thứ nhất", tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam giảm còn 3,5 tỷ USD, tương đương 48,6% so với con số đạt được năm trước đó. Không thể phủ nhận rằng bức tranh tổng thể khi đó là một màu u ám, nhưng đâu đó vẫn có những gam màu tươi sáng nếu như nhìn vào tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp nội - ngoại lúc này đã gần như cân bằng.

Trao đổi tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" tổ chức sáng 15/10, ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam chia sẻ: “Nói về thị trường M&A, trong góc nhìn của nhà tư vấn, trong năm 2020, số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền để chuẩn bị cho các hoạt động M&A.”

Ông Ái cho hay, từ cuối năm 2020, giá trị thương vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

“Tại Việt Nam, có những thương vụ lớn như Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Ái chia sẻ thêm.

Còn theo nhận định của ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nổi lên 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh Covid bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

tm-img-alt
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Thứ nhất là tác động Covid lên M&A là rõ nét, con số thực tế cho thấy là M&A gắn liền khối ngoại, nên tác động lên khối ngoại sẽ có tác động lên M&A Việt Nam. M&A năm 2019 đạt giá trị 7.2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 3.5 tỷ USD.

Không chỉ ở con số, còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistics, dược phẩm… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi Covid, nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ 18%, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…

Đặc điểm nổi bật nữa là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội (có thời gian Việt Nam lo sợ nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt, thì nay không còn nghi ngại). Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A từ 2019 - quý 1/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam.

Các địa bàn xảy ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này là rất quan trọng.

Thứ ba là sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính, bị tác động bởi Covid cũng rất rõ. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập, tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh.

Dịch bệnh Covid đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Các thương vụ M&A theo chiều ngang, tức là doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường chiếm 45% giao dịch vừa qua, cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh. Quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc - hình thành chuỗi cho thấy sự chuyển dịch chuỗi, và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp. Đó là tổng quan 3 đặc điểm rõ nét trong 3 năm qua.

Cơ hội vàng cho các doanh nghiệp

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã mang tới những hướng đi mới cho doanh nghiệp trong nước. Thời điểm này là cơ hội để "dọn dẹp" lại các doanh nghiệp sau khi bị "cơn bão" quét qua, là cơ hội để giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc.

Thứ nhất tái cấu trúc doanh nghiệp Việt thì cần thay đổi, điều kiện, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp, thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.

Thứ hai là nỗ lực từ phía doanh nghiệp, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế.

tm-img-alt
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Dũng Minh)

Theo ông Thiên, cần phải có những cơ chế tốt để đẩy mạnh quá trình M&A để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.

Cơ hội vàng, về lý thuyết kinh tế thì tích tụ vốn và tập trung vốn thì bao giờ cũng là phương thức rất quan trọng để các doanh nghiệp lớn nhanh và khẳng định vị thế rất nhanh. “M&A là phương thức giúp các doanh nghiệp tâp trung vốn, và thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp làm được các việc đó một cách quyết liệt”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, nhưng cho đến bây giờ xu hướng để gia tăng sức mạnh theo hướng tập trung vốn là “ta với ta”. Còn nguồn vốn nước ngoài vào ta thì giúp họ lớn hơn.

“Cho nên bây giờ, đặt vấn đề lại là liên kết với nước ngoài để lớn lên không? và thậm chí có một thao tác ngược đó là mở biên ra ngoài để M&A ra bên ngoài. Tôi cho rằng, điểm này doanh nghiệp ta không nên tự ti, các doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh thì hà cớ gì chúng ta không vươn ra bên ngoài?”, ông Thiên nói và cho rằng, đây là cơ hội mà các doanh nghiệp Việt nên tận dụng.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường M&A sẽ sôi động trở lại và phát triển mạnh mẽ vào năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Top 3 thương vụ đầu tư vốn cổ phần lớn nhất năm 2023
Trong 10 tháng năm nay, tổng số thương vụ M&A tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 11,6%. Nằm trong xu hướng chung, thị trường M&A Việt Nam cũng đang sụt giảm, đặc biệt so với mức đỉnh vào năm 2021 với tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD.

Tin mới