0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 06/11/2020 08:11 (GMT+7)

Top 3 thương vụ M&A nào ‘khủng’ nhất 2019 – 2020?

Ngày 5/11, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp 2020 (Vietnam M&A Forum 2020) đã công bố các thương vụ M&A đình đám nhất trong năm 2020.

Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” ngày 5/11/2020  

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết: Có thể nói sau hơn một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội mới. Mặc dù vậy, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu khiến thị trường M&A cũng chững lại, thậm chí suy giảm sâu.

Công bố số liệu tổng quan về thị trường M&Atại Việt Nam, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM cho biết, theo dữ liệu CMAC tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901,7 tỷ USD, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng công bố là  6.943 thương vụ,  giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của dịch COVID-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.

Nhìn chung đại dịch Covid 19 vừa qua đã làm chậm lại các hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua.

Giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu COVID-19. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Top 3 dự án M&A đình đám nhất giai đoạn 2019 – 2020

Tuy phải chịu ảnh hưởng khá lớn từ dịch bệnh từ những tháng cuối năm 2019 đầu năm 2020. Tuy nhiên cho đến tháng 9 năm 2020 thị trường M&A vẫn ghi nhận những thương vụ ‘khủng’, cụ thể:

Các thương vụ của Masan Group

Dẫn đầu danh sách là các thương vụ của Masan và công ty thành viên với các thương vụ với VinCommerce, Starck, NET, 3F.

Dẫn đầu danh sách là các thương vụ của Masan và công ty thành viên với các thương vụ với VinCommerce, Starck, NET, 3F.

Hoạt động kinh doanh của Masan sẽ khó đoán hơn sau thương vụ M&A với Vingroup?  

Sau khi về tay Masan, hệ thống VinCommerce đã được Masan tái cấu trúc toàn diện, từ thương hiệu tới bộ máy tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm Masan đã đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng VinMart không hiệu quả, đồng thời mở mới 45 điểm bán. 80% số cửa hàng bị đóng cửa nằm tại TP HCM và các thành phố cấp 2.

Gần đây nhất, phía Masan cho biết sẽ đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, VinMart+ thành WinMart+, tuy nhiên logo và nhận diện mới vẫn chưa dược tiết lộ.

Sau khi sáp nhập hệ thống VinMart, Masan đã chi gần 650 tỉ đồng để thâu tóm Bột giặt Net. Một công ty thành viên của Tập đoàn đã chào mua công khai 60% cổ phần của CTCP Bột giặt Net (NETCO) với giá 48.000 đồng/cp, công ty nắm khoảng 1,5% thị phần ngành bột giặt của Việt Nam.

KEB Hana Bank và BIDV

Thương vụ bán vốn của BIDV cho cổ đông chiến lược ngoại là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) là điểm nhấn lớn nhất của thị trường M&A Việt Nam trong năm 2019. Sau thời gian đàm phán kéo dài, thương vụ cũng đã hoàn tất khi BIDV phát hành hơn 603 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ cho KEB Hana.

BIDV bán vốn cho KEB Hana Bank  

Với giá 33.640 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch thu về là 20.295 tỉ đồng, theo ước tính thời điểm đó khoảng 878 triệu USD.

Sau đợt bán vốn này, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam và bước đầu giải được cơn khát vốn trước ngưỡng cửa Basel II.

KKR & Temasek mua cổ phần Vinhomes

Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek (Nhóm nhà đầu tư KKR) đầu tư tổng cộng 15.100 tỉ đồng (tương đương 650 triệu USD), đổi lấy khoảng 6% cổ phần Vinhomes.

Nhóm nhà đầu tư KKR, Temasek chi 650 triệu USD mua 6% cổ phần Vinhomes  

Sau giao dịch, Tập đoàn Vingroup vẫn sẽ tiếp tục là cổ đông kiểm soát của Vinhomes. KKR đầu tư chủ yếu từ Quĩ châu Á III.

Ngoài 3 thương vụ đình đám trên trong giai đoạn 2019 – 2020 vẫn còn một số những thương vụ đáng chú ý, có thể kể đến: Stark Corp mua Thipha Cables & Dovina, Sumitomo Life và Bảo Việt, Danh Khôi Holdings và Sun Frontier hay ngân hàng Aozora mua cổ phần OCB…

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Top 3 thương vụ M&A nào ‘khủng’ nhất 2019 – 2020?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới