Thị trường chứng khoán biến động nhẹ, chuyên gia FiinGroup 'mách' nhóm ngành triển vọng
Nhiều ý kiến cho rằng, căng thẳng Nga – Ukraine chỉ gây ảnh hưởng tâm lý nhất thời đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục sang nhóm hưởng lợi.
Tránh cổ phiếu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn P/E
Hai tháng đầu năm, nhà đầu tư giữ tâm lý cẩn trọng, vẫn đang ngóng chờ những yếu tố xúc tác để có thể “giải ngân” trong thời gian tới. Điều này thể hiện rõ ở việc thanh khoản liên tục giảm, trong khi số tài khoản mở mới tăng mạnh, số dư tiền gửi trên thị trường của nhà đầu tư cũng ở mức cao.
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu FiinGroup, dòng tiền cho vay margin tăng mạnh từ 150 nghìn tỷ đồng tại 30/9/2021 lên 175 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Thực tế, thanh khoản khớp lệnh trên HoSE vừa mới cải thiện đáng kể trong 3 phiên gần đây, đặc biệt là trong ngày 24/2, khi căng thẳng Nga – Ukraine dồn dập leo thang. Rất lâu rồi thị trường mới ghi nhận trở lại phiên giao dịch tỷ đô.
Giá trị giao dịch 3 sàn lên gần 42.650 tỷ đồng (1,87 tỷ USD). Trong đó, riêng HoSE khớp lệnh hơn 34.064 tỷ đồng, tăng gần 60% so với phiên trước đó.
Tuy nhiên, mức thanh khoản bình quân cả 3 sàn chỉ tương đương mức bình quân cả năm 2021 và bằng khoảng 80% so với bình quân của thời kỳ đỉnh cao là Quý 4/2021.
Chia sẻ tại tọa đàm "Triển vọng đầu tư 2022", bà Đỗ Hồng Vân, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho rằng, chúng ta đang bắt đầu năm 2022 với một nền định giá chung VN-Index không còn thấp như những năm trước nữa.
Với mức định giá cao, và dựa theo quy luật giữa giá và định giá, muốn để giá cổ phiếu tăng thì lợi nhuận doanh nghiệp cũng cần phải tăng tương ứng, thậm chí là cao hơn cả P/E. Do đó, những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm 2022 thấp hơn P/E thì đây là những cái cổ phiếu mà nằm trong vùng khá là rủi ro.
Đặc biệt lưu ý nhóm ngành có triển vọng
Dựa theo triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận, nhà đầu tư có thể tham khảo giải ngân vào 3 chủ đề chính.
Thứ nhất, chủ đề phòng thủ, liên quan đến những nhóm ngành tránh được rủi ro lạm phát như ngành điện và ngành dược. Đây cũng là nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực hậu COVID-19.
Riêng với ngành dược, một số doanh nghiệp đang chuẩn bị đưa thêm dây chuyền, nhà máy vào hoạt động. Yếu tố tích cực này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm dược phẩm không chỉ năm 2022 mà có thể giúp ngành này có tăng trưởng kéo dài sang đến tận năm 2023.
Thứ hai, chủ đề đầu tư công gồm nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.
Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ các yếu tố như, tín dụng tăng trưởng do nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ. Biên lãi ròng NIM có thể tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng, do một số ngân hàng không còn phải hỗ trợ lãi suất như trong năm 2021.
Ngoài ra, thu nhập từ phí của nhóm ngân hàng sẽ hồi phục trở lại khi mà kinh tế hồi phục. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã phải trích lập dự phòng trước cái thời hạn của Thông tư 01, 03 và 14 nên năm nay sẽ không phải trích lập, thậm chí còn có cơ hội là hoàn nhập trở lại.
Đối với nhóm vật liệu xây dựng, giãn cách xã hội là một yếu tố khiến tăng trưởng lợi nhuận suy giảm trong năm 2021. Khi những yếu tố bất lợi qua đi, đây là nhóm có thể nhanh chóng chuyển sang cái từ suy giảm mạnh sang tăng trưởng cao trong năm 2022.
Thứ ba, chủ đề hưởng lợi từ phục hồi hậu COVID-19 gồm ngành bán lẻ, cá nhân và thuỷ sản. Đối với bán lẻ, triển vọng tăng trưởng năm 2022 khá phân hóa. Bởi lẽ, cơ hội sẽ có thể đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng thấp hơn so với trung bình ngành.
Đối với ngành hàng cá nhân, câu chuyện tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ cái câu chuyện nền tăng trưởng thấp trong, thậm chí suy giảm trong năm 2021.
Đối với ngành thủy sản, dù năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên nếu mà so với giai đoạn trước khi COVID-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện nay vẫn chưa thực sự hồi phục.