0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 09/09/2021 07:40 (GMT+7)

Thêm 1.000 tỷ trái phiếu chảy về Kinh Bắc (KBC)

Kinh Bắc (KBC) vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu, bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Bộ Tài chính cũng vừa phát đi cảnh báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Liên tục phát hành trái phiếu

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm. Lãi suất cố định 10,5%/năm và trả lãi 6 tháng/lần.

Mục đích phát hành để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; và cơ cấu lại nguồn vốn của chính Công ty.

tm-img-alt
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC). 

Theo phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu được công bố, Kinh Bắc sẽ sử dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền hoạt động tài chính và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) để thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lãi và tiền gốc trái phiếu khi đến hạn.

Đợt phát hành trái phiếu này chủ yếu là nhà đầu tư trong nước tham gia với hơn 900 tỷ đồng (tương đương 90%) gồm 4 nhà đầu tư tổ chức và 27 cá nhân. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 100 tỷ đồng với nhà đầu tư tổ chức duy nhất.

Trước đó vào tháng 6, KBC vừa huy động 1.500 tỷ trái phiếu chào bán ra công chúng. Kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tương tự cố định 10,8%/năm. Mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đầu vào các dự án KCN chuẩn bị triển khai tại Long An thông qua công ty con.

Trong đầu quý 2/2021, KBC phát hành tối đa 10 triệu trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu phát hành sẽ có kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10,5%/năm và trái chủ sẽ được thanh toán lãi vào mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng.

Trước đó, vào cuối tháng 3, KBC có huy động 400 tỷ trái phiếu, lãi suất cũng vào mức 10,5%/năm. Mặt khác, vào ngày 11/5, KBC cũng thông qua việc vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 2 năm từ công ty con để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bổ đầu tư cho các dự án mà Công ty có kế hoạch triển khai trong năm 2021.

Không chỉ trái phiếu, Công ty còn chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021, toàn bộ số tiền thu về sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty.

Phần lớn phát hành trái phiếu tại Kinh Bắc đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đợt phát hành trái phiếu KBC2021.AB với giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 10,8%/năm lại không có tài sản đảm bảo.

Nợ phải trả phình to, doanh nghiệp gặp áp lực về dòng tiền

Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Công ty định hướng cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lên lần lượt lên 6.600 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần năm 2020) và 2.000 tỷ đồng (tăng gấp 6,7 lần năm 2020). Kinh Bắc cho biết, động lực tăng trưởng chính đến từ việc đẩy mạnh bàn giao cả khu công nghiệp và khu đô thị.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước. Dù kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng so với kế hoạch năm, Kinh Bắc mới chỉ hoàn thành 42% doanh thu và 39% lợi nhuận mục tiêu đề ra.

tm-img-alt
Chủ tịch HĐQT KBC Đặng Thành Tâm. 

Báo cáo tài chính cho thấy, tính đến 30/6/2021, nợ phải trả của Kinh Bắc ghi nhận tăng 15%, lên 15.119 tỷ đồng. Riêng tổng dư nợ vay tại Kinh Bắc tăng 30% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.491 tỷ đồng, chiếm 50% nợ phải trả.

Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn tăng 22%, lên hơn 1.881 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là vay dài hạn đến hạn trả, đạt gần 1.270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ vay dài hạn tại Kinh Bắc cũng bất ngờ tăng mạnh thêm 1.392 tỷ đồng lên 5.610 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, dư nợ vay dài hạn tại Kinh Bắc chủ yếu xuất phát từ trái phiếu với hơn 3.565 tỷ đồng và vay ngân hàng ghi nhận hơn 3.049 tỷ đồng.

Cụ thể, Kinh Bắc vay dài hạn tại ngân hàng TPBank gần 266 tỷ đồng; ngân hàng PVcomBank (2.500 tỷ đồng), Vietinbank (201,4 tỷ đồng); BIDV - chi nhánh Bắc Ninh (hơn 54 tỷ đồng). Lãi suất cho vay dao động từ 9,5% - 11,5%/năm.

Trong đó, hình thức đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng PVcombank là toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát; hình thức đảm bảo cho khoản vay tại TPBank là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của các lô đất chưa bán thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Dịch vụ Thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ;...

Còn về trái phiếu, Kinh Bắc phát hành riêng cho BIDV Bắc Sài Gòn 180 tỷ đồng và số còn lại gần 3.412 tỷ đồng là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, gần 1.085 tỷ đồng là trái phiếu đến hạn trả. Lãi suất trái phiếu dao động từ 9,3% - 11%/năm.

Dù lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng ấn tượng nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc đang âm hơn 90 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 311,6 tỷ đồng. Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh trong 6 tháng đầu năm dẫn tới Kinh Bắc phải tăng cường vay nợ.

Nhà đầu tư cẩn trọng, đánh giá kỹ rủi ro

Bộ Tài chính vừa có cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng trái phiếu thấp nhưng vẫn tìm cách để phát hành; đồng thời, cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng rủi ro lớn. 

Theo đánh giá của Bộ này, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ vượt bậc. Bên cạnh những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành hình thức riêng lẻ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Đơn cử, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao và cùng đó là sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ, kể cả những nhà đầu tư không đạt chuẩn. Trong khi đó, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản. 

Theo quy định hiện hành tại Luật chứng khoán và Nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

“Trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém”, Bộ Tài chính lưu ý.

Đối với những trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), trong 8 tháng năm 2021, có 05/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành lỗ. Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành.

Nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

"Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu", văn bản Bộ Tài chính cho biết.

Bộ này cho rằng, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Cùng đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Trong trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059 yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ thực tế bên cạnh những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết Thêm 1.000 tỷ trái phiếu chảy về Kinh Bắc (KBC). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới