0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 19/09/2023 09:43 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, triển khai dự án tại Bình Dương

Sau khi thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất và triển khai dự án tại tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 – 2019.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, triển khai dự án tại Bình Dương - Ảnh 1
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất và triển khai dự án tại tỉnh Bình Dương.

Ngày 15/9/2023, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP ngày 22/3/2023.

Tại buổi công bố, ông Trần Văn Mây - Trưởng đoàn thanh tra, đã trình bày nội dung Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại tỉnh Bình Dương (thời kỳ 2011 - 2019).

Tại Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất và triển khai dự án tại tỉnh Bình Dương. Cụ thể là lập, thẩm định, trình duyệt quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ), kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) của tỉnh Bình Dương và các đơn vị hành chính cấp huyện.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định, vi phạm khoản 8 Điều 21 Luật Đất đai năm 2003 mà nguyên nhân là do khách quan (QHSDĐ Quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt chậm).

QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Dương chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc về sự phù hợp QHSDĐ với QHSDĐ quốc gia, vi phạm khoản 2 Điều 21 Luật Đất đai năm 2003.

Cụ thể, công tác lập QHSDĐ đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); Phương án điều chỉnh QHSDĐ đền năm 2020 và kê hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Bình Dương chưa cao, chưa bám sát nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, chưa dự báo được nhu cầu sử dụng các loại đất trong kỳ quy hoạch. Do đó, một số chỉ tiêu thực hiện đạt tỷ lệ thấp hoặc vượt chỉ tiêu QHSDĐ đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2017 đến năm 2020, UBND 09 đơn vị hành chính cấp huyện không thông qua HĐND cùng cấp là vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư, đã giao đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm triển khai dự án trong thời gian dài so với chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án đầu tư được duyệt, đã được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng trực thuộc không xử lý để thu hồi theo các quy định của pháp luật về đâu tư, đất đai; không kiên quyết xử lý các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong khu, cụm công nghiệp không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp (không có QSD đất ở) đối với một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở năm 2014; Giao, cho thuê đất để thực hiện một số dự án đầu tư chưa phù hợp một phần hoặc toàn bộ so với QHSDĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm khoản 1 Điều 11, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

UBND tỉnh Bình Dương thu hồi trụ sở nhà, đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013. Đồng thời, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; khoản 1 Điều 7 Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 16/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù, UBND tỉnh Bình Dương đã chủ động ban hành Quyết định 970/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 thu hồi Quyết định 1939/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 về việc cho thuê 04 trụ sở nhà đất trên, tài sản của nhà nước đã được thu hồi, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng và trình phương án quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các cơ sở nhà, đất đã thu hồi.

Trong quá trình tổ chức bán đầu giá 04 tài sản công (gồm trụ sở cũ của Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh) Sở Tài chính đề xuất và UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá lần 2 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 01, giá khởi điểm lần 03 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 02 là vi phạm Điều 11 Thông tư số 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Sau đó, lấy giá khởi điểm lần 03 để đấu giá lần thứ 04 vi phạm quy định tại điểm 7 Mục II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có khả năng tính toán giá khởi điểm của tài sản chưa chính xác. UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét hủy kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất (giai đoạn 2015 - 2019) do UBND tỉnh ban hành có nhiều vị trí, khu vực chưa sát giá thị trường, chưa phù hợp với quy định tại Điều 112 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, trong công tác xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT dẫn đến giá đất cụ thể chưa sát giá thị trường theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế chưa kịp thời tổ chức xác định lại giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với một số dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng chỉ tiết 1/500 có thay đổi cơ cấu sử dụng đất hoặc làm thay đổi mục tiêu của dự án, vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Qua thanh tra 12 dự án theo kế hoạch tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện phương án giá đất cụ thể của 05 dự án tính toán chưa chính xác (xác định tổng doanh thu phát triển giả định ước tính và tổng Chi phí phát triển giả định ước tính chưa đúng), cần phải tổ chức xác định lại giá đất để thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, triển khai dự án tại Bình Dương - Ảnh 2
Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng tại tỉnh Bình Dương, giai đoạn từ năm 2011 - 2019.

Kết luận thanh tra cũng thể hiện, UBND tỉnh Bình Dương, các tổ chức được giao quản lý quỹ đất công chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất công được giao quản lý; vẫn còn tình trạng một số thửa đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài sản của Nhà nước; chậm xây dựng phương án sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chậm lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng tài sản công.

Công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các huyện, thị, thành phố tại Bình Dương lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép với quy mô, tính chất vi phạm là nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài (kể cả sau ngày 10/01/2014 đã có thông báo của UBND tỉnh Bình Dương) nhưng chưa quan tâm đúng mức, không được kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để.

Theo Thanh tra Chính phủ, do thời gian thanh tra của Đoàn Thanh tra ngắn, trong khi những vi phạm diễn ra hết sức phức tạp, trên nhiều địa bàn khác nhau tại các huyện, thị và thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, nên Đoàn Thanh tra không đủ điều kiện trực tiếp thanh tra chuyên sâu nội dung này. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định. Thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn toàn tỉnh đề xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Chính phủ.

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, Thanh tra Chính Phủ cho rằng, các dự án phát triển nhà ở thương mại chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng hoặc huy động vốn nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau vi phạm quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Sở NN&PTNN và Sở TN&MT không phân biệt cụ thể chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa để thu nộp tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa nước theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư số 18/2016/TT-BTC.

Một số đơn vị được giao đất lâm nghiệp để quản lý sử dụng, nhưng chưa làm tốt trong công tác quản lý đất đai, vi phạm quy định trong giao khoán theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/01/2005 của Chính phủ; khoản 2. 3mục l Thông tư 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP; còn để xảy ra tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng; tình trạng chuyển đổi cây trồng và xây dựng nhà ở trên đất rừng đã nhận giao khoán, vi phạm Quy chế quản lý rừng sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 49/2016/QĐ- TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Bình Dương giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT và khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Đối với công tác quản lý nhà nước tại dự án “Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, vi phạm trong thực hiện dự án là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng theo Kết luận thanh tra, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư không yêu cầu chủ đầu tư của 147 dự án đầu tư thuộc diện phải ký quỹ đảm bảo đầu tư với tổng số tiền phải ký quỹ 92,5 tỷ đồng, vi phạm Điều 42 Luật Đầu tư năm 2014 và Điêu 27 Nghị định sô 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho từng lô đất nhỏ theo bản vẽ quy hoạch xây dựng chỉ tiết, khi dự án chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, chưa đủ điều kiện tách thửa theo quy định đối với một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại vi phạm quy định tại Điều 26 Nghị định số43/2014/NĐ-CP và khoản 21 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương không kịp thời điều chỉnh đơn giá cho thuê đất đối với một số trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm khi đã hết chu kỳ ổn định 05 năm vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 14; khoản 1, khoản 3 Điều 22; khoản 2; khoản 3 Điều 25 Nghị định 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Chưa xác định và thông báo tiền SDĐ phải nộp khi gia hạn 24 tháng đối với 04 dự án (03 dự án đã gia hạn và 01 dự án đang thực hiện thủ tục gia hạn).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 - 2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục trưởng Cục thuế và Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót đã nêu trên.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận thanh tra; xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện những kiến nghị của kết luận thanh tra. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành có liên quan rà soát những nội dung mà kết luận thanh tra yêu cầu, thực hiện trong thời gian sớm nhất…

Cũng tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng tiếp thu toàn bộ nội dung của kết luận thanh tra, ý kiến của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Đồng thời cho biết, sau buổi công bố này, tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại các nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận thanh tra. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc, khẩn trương, chủ động, tích cực, thực hiện đầy đủ và hoàn thành sớm các nội dung kiến nghị của đoàn thanh tra...

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, triển khai dự án tại Bình Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới