Tháng 7 điện tái tạo gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2019
Tính riêng tháng 7, năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt 6,33 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 5,56 tỷ kWh.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 7 tháng năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 122,69 tỷ kWh, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 7 sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 19,53 tỷ kWh, tăng 2,42% so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế 7 tháng năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống đạt 142,47 tỷ kWh, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thủy điện đạt 29,22 tỷ kWh, giảm 20,52% so với cùng kỳ năm 2019; nhiệt điện than đạt 80,87 tỷ kWh, tăng 14,54%; tua bin khí đạt 22,4 tỷ kWh, giảm 15,36% và nhiệt điện dầu đạt 1,03 tỷ kWh, tăng 33,11% so với cùng kỳ năm 2019.
Năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt 6,33 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 5,56 tỷ kWh, bằng 101% kế hoạch và gấp 3,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Điện gió và điện mặt trời tăng mạnh
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8 - 10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn đảm bảo nguồn cung điện.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện gió và điện mặt trời được xem là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), việc phát triển nguồn NLTT giúp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp để lắp đặt điện áp mái.
Thời gian qua, nguồn NLTT bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp NLTT của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hết tháng 7, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 79,2 tỷ kWh, chiếm 55,6% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 43,9 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 30,8%.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm