Tại sao mua sắm online vẫn không thay thế được các cửa hàng trực tiếp?
Mặc dù dịch bệnh đã khiến việc mua sắm online trở nên phổ biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sức sống của các cửa hàng thực tế vẫn có những thế mạnh tiêng mà chưa thể thay thế bởi bất cứ hình thức mua bán nào.
Cửa hàng truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định
Trong gần 2 năm qua, có một điều trái ngược trên thị trường bán lẻ là dịch bệnh không khiến các thương hiệu thu hẹp kinh doanh mà ngược lại mà còn chứng kiến liên tiếp những đợt sóng của các thương hiệu tầm nhìn tốt. Đó là những tín hiệu đáng mừng.
Một trong những thương hiệu rầm rộ nhất là MUJI. Cuối năm 2020, ông lớn Nhật Bản khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM. Ngay sau đó, MUJI tiến quân ra miền Bắc với một cửa hàng diện tích 2.000m2 - một trong những cửa hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Center Metropolis, Hà Nội.
Không hề kém cạnh, Uniqlo cũng nhanh chân không kém. Tháng 3/2020, Vincom Center Phạm Ngọc Thạch chứng kiến sức nóng của dòng người xếp hàng mua sắm khi cửa hàng Uniqlo đầu tiên mở tại Hà Nội. Chỉ 5 tháng sau, đại gia này nhanh chóng có cửa hàng tiếp theo tại Vincom Center Metropolis.
Ngoài ra, một số thương hiệu khác cũng đang “tấn công” mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ Việt Nam như Pandora, Fila, Weekend Max Mara... Trong đó, nhiều “ông lớn” thậm chí thử sức tại các mặt bằng ngoài khu vực trung tâm như H&M, Mango, Fila, Haidilao mở cửa hàng tại Vincom Mega Mall Ocean Park; hay Uniqlo tại Vincom Plaza Phan Văn Trị.
Các thương hiệu lớn đều đặt niềm tin vào cửa hàng truyền thống trong khi online mới là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua. Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, xu hướng nở rộ của online là không sai nhưng cách mua sắm này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Mua hàng online thiếu đi một trải nghiệm quan trọng nhất trong mua sắm, đó là được cầm, nắm, được thử tận tay một sản phẩm, được tư vấn để chọn sản phẩm phù hợp, ưng ý nhất.
Điều đó đã được chứng minh khi mà các ông trùm bán lẻ trực tuyến như Amazon vẫn phải chi cả tỉ USD để mua lại mua chuỗi bán lẻ WholeFood. Apple ngày càng có nhiều cửa hãng vật lý mở ra khắp nơi trên thế giới. Hay như Tesla một thời từng tuyên bố chỉ bán online nhưng sau cùng vẫn phải bổ sung những showroom đời thực.
“Mua sắm tại các cửa hàng thực thể không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu tiền của nhiều người mà còn là cách để người dùng hưởng cảm giác giao tiếp, được trải nghiệm "đi chơi" - điều mua sắm online không thể có”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cuộc đua “đặt chân” vào trung tâm thương mại
Nói về điều này, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.
Đại diện Savills cũng bày tỏ niềm tin về sự nóng lên của thị trường ngay trong những tháng cuối năm bởi đây là thời điểm lễ hội vốn có nhu cầu mua sắm cao. Ngoài ra, với điều kiện tiêm chủng phủ rộng và chính sách “sống chung với dịch” đã được xác định, việc chi tiêu của người dân theo dự đoán sẽ quay trở lại mạnh mẽ, bù cho nhu cầu mua sắm bị dồn nén trong thời gian trước đó. Bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam cả trong dài hạn và ngắn hạn đều đang rất sáng màu. Cuộc đua giành mặt bằng bởi thế được dự đoán sẽ rất nóng, đặc biệt trong các TTTM.
Nguyên nhân khiến các thương hiệu nhắm đến các trung tâm thương mại bởi ở đây có khả năng đáp ứng được điều kiện mở cửa hàng flagship với quy mô khủng, cùng thiết kế độc đáo. Các nhà bán lẻ đang hướng tới trong mục tiêu điều chỉnh lại chiến lược, khi người tiêu dùng Việt mong muốn có những trải nghiệm mua sắm tốt hơn, theo khảo sát mới của Deloitte.
Đặc biệt, với những nhãn hàng xa xỉ, trải nghiệm mua sắm còn được các thương hiệu coi trọng từ khi khách hàng bước chân vào trung tâm thương mại. Đó phải là nơi có trị vị trí thuận tiện và giữ được chân khách hàng bằng chất lượng cơ sở hạ tầng tốt, trang thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ đẳng cấp và hệ sinh thái đi kèm phong phú, và đặc biệt là an tâm với các biện pháp phòng dịch.
“Những mặt bằng chất lượng cao thực tế không nhiều. "Thị trường Hà Nội đang thiếu những dự án bất động sản chất lượng cao, có sẵn, để đáp ứng nhu cầu và điều kiện của các thương hiệu trong ngành mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, mặt hàng xa xỉ", ông Matthew Powell, lãnh đạo Savills đánh giá.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường và giới chuyên gia đánh giá, những thương hiệu sẽ tiếp tục đẩy mạnh “lấn sân” vào các trung tâm thương mại để chinh phục thị trường và các khách hàng tiềm năng.