Sở Y tế Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở găm hàng, đẩy giá thuốc điều trị cúm
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm cung ứng đầy đủ, không để thiếu thuốc điều trị cúm, đồng thời sẽ kiểm tra để xử lý các cơ sở đầu cơ, găm
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc. Cụ thể là niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại công bố; đồng thời không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Sở Y tế đề nghị Phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã và phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, thuốc điều trị cúm A và các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo quy định.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận gần 142.000 ca mắc cúm nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7-2022 đến nay, số bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa.
Cúm A là bệnh cúm do virus nhóm A gây ra, điển hình như H1N1, H5N1, H7N9,… Vật chủ tự nhiên của nhóm virus này là các loài chim hoang dã, gia cầm (gà, vịt, ngỗng) nên còn được gọi là cúm gia cầm.
Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: Ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.
Bảo Linh (t/h)