Sách lậu và mánh khóe tinh vi lừa đảo khách hàng
Sách lậu, sách giả đã và đang trở thành vấn nạn, ngoài tầm kiểm soát. Bằng những thủ đoạn tinh vi, chiêu trò, sách lậu vẫn đang len lỏi đến tay từng độc giả.
Làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng hình phạt chỉ vài chục triệu đồng; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại bị xử thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình…
Đây là những nghịch lý tưởng rất khó hiểu đang tồn tại trong ngành xuất bản, khiến cho cuộc chiến chống sách lậu trở nên quá gian nan đến… vô vọng.
Dạo qua thị trường sách tại Hà Nội, có một điều không thể phủ nhận là sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện được.
Sách lậu và mánh khóe tinh vi lừa đảo khách hàng |
Nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của vấn nạn này là bởi hiện nay các đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại được hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in, cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in. Nếu trót lọt, đối tượng in lậu và cơ sở in chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút..., “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận.
Nghiêm trọng hơn hiện nay nhiều đối tượng cầm đầu, chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản trong việc tiến hành các vụ in và phát hành sách lậu. Đơn cử như việc quyết định xuất bản ghi số lượng ít nhưng in số lượng nhiều; in lại toàn bộ hình thức, nội dung sách thật nhưng không xin phép; in những cuốn sách vi phạm bản quyền; in lại những cuốn sách đã được xuất bản; thuê biên tập lại cuốn sách đang bán chạy trên thị trường một cách sơ sài, thay đổi hoặc đổi đầu cuối nội dung rồi in dưới một cái tên khác...
Một chiêu trò nữa thường được các đối tượng bán sách lậu áp dụng đó là "treo đầu dê, bán thịt chó". Nếu đi mua sách theo cách truyền thống, ít nhiều có thể phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả qua màu sắc trang bìa, cách đóng xén có cẩn thận không, in ấn chất lượng hay không.
Khi mua qua mạng, người mua chỉ có thể nhìn ảnh sách và tin lời người bán. Các trang bán sách giả trên mạng xã hội, gian hàng trên chợ thương mại điện tử thường lợi dụng điểm này để tiếp thị sách giả.
Để lấy lòng tin người mua, trước hết, các trang bán sách giả trên mạng xã hội thường dùng tên nghe có vẻ tri thức, như “trí thức”, “tiệm sách”, “mọt sách”, “tủ sách tinh hoa”.
Một số trang đạo, nhái cả tên các nhà xuất bản (NXB), công ty sách uy tín, như: “Kho sách NXB Trẻ”, “NXB Nhã Nam”. Một số trang lấy tên "câu view" như: “kho sách”, “xả kho”, “tổng kho sỉ lẻ”.
Bước tiếp theo, các trang này lấy hình ảnh sách thật đăng tải, nhưng thực chất, sách giao dịch là giả. Các trang này cũng thường đưa ra những bài quảng cáo sách theo chủ đề, đánh vào mục đích của người mua như: “Bí kíp kinh doanh”, “sách để thành đạt”, “kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh”, “combo dạy con”.
Một thủ đoạn tinh vi hơn của giới sách giả là nâng giá bìa lên cao, sau đó rao bán giảm giá, nhằm đánh vào thị hiếu thích rẻ của người mua.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo