Quảng Ninh cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển mạnh dịch vụ du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Thông báo kết luận nêu rõ, trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngành than; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết về hạ tầng, nguồn nhân lực để đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư sau đại dịch Covid-19...
Quảng Ninh cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nắm bắt thời cơ, khắc phục những tồn tại, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm tiếp theo, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển mạnh dịch vụ du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch giá rẻ, các chuyến du lịch ”0 đồng”. Phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo việc làm cho người dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tăng cường phòng ngừa tội phạm, quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Xác lập các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, tuyến trọng yếu để phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm; có sự kết nối và sử dụng hệ thống camera để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, lưu ý đến yếu tố bảo mật. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị để nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin và phối hợp lực lượng đấu tranh chống buôn lậu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm