Quảng Nam: Chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 3689/QĐ-UBND về chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh.
Theo đó, Vườn quốc gia Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã của huyện Nam Giang và huyện Phước Sơn. Tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Sông Thanh là 76.669,68ha, gồm nhiều phân khu chức năng.
Cụ thể, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (58.225,98ha) có chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng, cảnh quan và các tài nguyên sinh học, đảm bảo diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng; hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia Sông Thanh rộng hơn 76.000 ha, với hơn 830 loài thực vật bậc cao sinh sống |
Phân khu phục hồi sinh thái (18.367,20ha) có chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng; phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn; phát triển du lịch sinh thái.
Phân khu dịch vụ - hành chính (76,50ha) có chức năng đảm bảo các hoạt động về quản lý hành chính, xây dựng nhà làm việc, trạm bảo vệ rừng, vườn thực vật, bảo tàng, trung tâm nghiên cứu về động, thực vật rừng; tổ chức các cơ sở phục vụ dịch vụ nghiên cứu khoa học, tham quan, dịch vụ.
Vùng đệm của Vườn quốc gia Sông Thanh gồm 40 thôn, bản nằm trên địa bàn 13 xã giáp ranh với vườn quốc gia thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Trong đó, phần vùng đệm trong gồm khu vực thôn Pê Ta Póc nằm trên địa bàn xã Đắc Pring (Nam Giang); phần vùng đệm ngoài gồm khu vực 39 thôn, bản nằm trên địa bàn các xã: Đắc Pring, Đắc Pre, Đắc Tôi, La Dêê, Tà Pơơ, Chà Vàl, Tà Bhing, Cà Dy (Nam Giang) và xã Phước Công, Phước Xuân, Phước Mỹ, Phước Đức, Phước Năng (Phước Sơn).
Vùng đệm nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ quốc phòng - an ninh, phát triển du lịch và phát triển bền vững trong khu vực.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm