0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 04/08/2022 16:57 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh'

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu “tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu “tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp…”

Sáng 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sự kiện lớn của ngành tài nguyên và môi trường có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đại diện của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải.

Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống,… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những thành công đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được của công tác bảo vệ môi trường nước ta thời gian qua, chỉ ra được những nguyên nhân và chia sẻ bài học kinh nghiệm để từ đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch hành động, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển đổi chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận những thành tích to lớn trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam, qua đó, đã từng bước tranh thủ được những thuận lợi, nắm bắt kịp thời thời cơ để vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn giới thiệu mô hình trạm rada thời tiết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham quan mô hình trạm radar thời tiết

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Ở trong nước, ô nhiễm môi trường một số nơi có nguy cơ vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm. Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể.

Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Nguồn lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chưa tương xứng. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; công tác quy hoạch chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý môi trường chưa theo kịp yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường.

Để phát triển đất nước theo hướng bền vững mà một trong ba trụ cột là bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, trong giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và sự cố môi trường; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đại biểu tham quan mô hình xử lý nước thải tại triển lãm. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đại biểu tham quan mô hình xử lý nước thải tại triển lãm.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành môi trường tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng, yếu tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin, viễn thám và các công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quan trắc và cảnh báo về môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường; chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường. Đặc biệt, ngành môi trường cần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị, ngay sau Hội nghị, các bộ, ngành, các địa phương cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện có hiệu quả các Chương trình và kế hoạch hành động cụ thể, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và đem lại những kết quả rõ rệt trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.

Mai Anh 

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới