0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 12/07/2022 08:30 (GMT+7)

Kinh tế số - Kinh tế tuần hoàn: Động lực phát triển trong tương lai

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, kinh tế số - kinh tế tuần hoàn là đòn bẩy giúp kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển vượt bậc trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú về những tác động tích cực đến nền kinh tế nhờ kinh tế số - kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

PV: Được biết, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số,vậy ông đánh giá như thế nào về mục tiêu phát triển kinh tế số và tiềm năng phát triển kinh tế số tại Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Kinh tế số đã xuất hiện từ chục năm trước và đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Việc áp dụng mô hình kinh tế số đem lại kết quả ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội của nhiều đất nước, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, Việt Nam đang có những tiềm năng rất lớn khi áp dụng mô hình kinh tế này.

Thứ nhất, về tri thức, đội ngũ nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp đã sớm nhận được được vai trò, tầm quan trong của chuyển đổi số, hướng tới phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp số.

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang là một trong nhiều nước có mức độ phát triển thông tin rất nhanh tại khu vực Đông Nam Á và đứng ở vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN. Đây chính là yếu tố quan trọng, là bước đệm vững chắc giúp Việt Nam từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số đạt kết quả cao.

Thứ ba, về môi trường kinh doanh và chính sách cơ chế của nhà nước, hiện tại chúng ta đã có Nghị quyết của Chính phủ và những chương trình hành động trong Đại hội Đảng thứ XIII về vấn đề chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước ta trở thành một nền kinh tế số, các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp số.

Tất cả những yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam vững bước đi lên cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú trả lời phỏng vấn Chất lượng Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú trả lời phỏng vấn Chất lượng Việt Nam.

PV: Theo ông, khi áp dụng mô hình kinh tế số Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích gì? Hiện nay Việt Nam còn gặp phải những khó khăn, hạn chế gì khi áp dụng mô hình này?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Mô hình kinh tế số sẽ đem lại những ý nghĩa thiết thực trong vấn đề nâng cao năng suất lao động đối với các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở đất nước ta, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội; Đồng thời, đem lại sự giảm chi phí trong giao dịch kinh tế ở Việt Nam.

Mô hình kinh tế số sẽ đem lại sự quản lí chặt chẽ, khoa học và đưa Việt Nam tiếp cận với những kinh nghiệm và nền khoa học trên thế giới. Quan trọng hơn cả, việc áp dụng mô hình kinh tế sẽ giúp Việt Nam ngày càng phát triển về mọi mặt, giúp đời sống người dân ấm no và đưa Việt Nam ngang tầm với các nước ở trong khu vực, từng bước bước vào hàng ngũ các nước phát triển trên thế giới trong tương lai.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi đã kể trên, Việt Nam vẫn còn gặp phải không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Trước hết là về vấn đề nhận thức. Việt Nam vẫn còn khoảng 30% doanh nghiệp mới hiểu sơ qua về chuyển đổi số trong khi 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở quy mô nhỏ. Chính vì thế, điều kiện về cơ sở vật chất, khoa học kĩ thuật còn gặp nhiều hạn chế.

Thứ hai, sự liên kết để phát triển chuyển đổi số của Việt Nam còn có vướng mắc đặc biệt là tính liên kết trong các doanh nghiệp còn yếu.

Bên cạnh đó, nhận thức và trình độ về vấn đề của chuyển đổi số chưa có sự đồng đều. Vì thế, đòi hỏi cần phải có sự thống nhất và có những bước đi thích hợp để Việt Nam chuyển đổi số thành công.

PV: Được biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn được quy định cụ thể lần đầu tiên trong một bộ luật tại Việt Nam – Luật bảo vệ Môi trường năm 2020, trong khi nhiều nước trên thế giới đã phát triển kinh tế tuần hoàn từ rất lâu. Vậy theo ông, Việt Nam liệu có đang đi chậm hơn so với các quốc gia khác? Việc áp dụng chính sách kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra những thay đổi gì cho Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Việt Nam của chúng ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và nền kinh tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển trong khoảng hơn 30 năm nay, cho nên việc phát triển kinh tế tuần hoàn theo tôi đánh giá chưa phải là chậm, quan trọng là cách chúng ta tổ chức mô hình kinh tế tuần hoàn như thế nào để đạt được hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhận thức về lợi ích khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại cho con người, môi trường hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân chúng ta.

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, tiết kiệm vật tư nguyên liệu và bảo vệ được môi trường sống không bị phá hoại do ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế như một số các nước đã gặp phải. Bên cạnh đó, khi Việt Nam theo kịp được các nước trên thế giới sẽ tạo cơ hội cho nước ta thu hút được nguồn đầu tư từ kinh tế tuần hoàn của các nước khác đối với thị trường của Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam hùng cường, phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Kinh tế số thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế số thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

PV: Trong quá trình nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam có những khó khăn, thách thức gì và đâu là giải pháp?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Theo tôi, khó khăn lớn nhất trong quá trình nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nằm ở sự nhận thức. Người kinh doanh cần phải nhận thức rõ về vấn đề môi trường, vấn đề hiệu quả kinh tế và không ngừng học hỏi nghiên cứu để áp dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, cần phải chứng minh được hiệu quả của kinh tế tuần hoàn là rất rộng lớn.

Với mô hình nhỏ lẻ như hiện tại, mô hình kinh tế tuần hoàn của chúng ta chỉ mãi “giậm chân tại chỗ”. Để chấm dứt tình trạng này, chúng ta phải làm điểm, phải nhân rộng những mô hình để có thể phát triển kinh tế tuần hoàn một cách nhanh chóng và trở thành động lực phát triển kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, tôi đánh giá đây không phải vấn đề đơn giản, chúng ta cần phải thực hiện từ nhận thức cho tới hành động. Để mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự mang lại hiệu quả đòi hỏi cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu bài bản của mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ.

PV: Theo ông, để tiếp tục đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới ở Việt Nam, chúng ta cần làm gì?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Tôi đánh giá nhà nước đóng vai trò như “bà đỡ” trong việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cụ thể, nhà nước cần phải có chính sách, lựa chọn những nền kinh tế mũi nhọn, có điều kiện phát triển tốt nhất. Trong đó, Việt Nam nên tập trung vào nền kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp bởi đây là những lĩnh vực đưa nền kinh tế phát triển nhanh, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây hậu quả cho môi trường.

Bên cạnh đó, hiện nay mô hình kinh tế ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các trang trại, nông hộ, doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ sẽ khiến cho Việt Nam khó có thể áp dụng kinh tế tuần hoàn. Vì thế, đòi hỏi nhà nước cần phải tập trung mở rộng các mô hình kinh doanh lên mức hợp tác xã, doanh nghiệp lớn đồng thời không ngừng học hỏi lẫn nhau để ngày càng nâng tầm lên trong vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay và trong tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hải Yến (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế số - Kinh tế tuần hoàn: Động lực phát triển trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới