0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 29/06/2022 06:40 (GMT+7)

Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa thực hiện cam kết khí hậu ở Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đồng thời là nền tảng tạo ra “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp

Theo các chuyên gia, chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, hướng tới một nền kinh tế không phát thải, trung tính carbon vào năm 2050 là tham vọng toàn cầu nhằm dịch chuyển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị toàn cầu trong 25 tới 30 năm, bằng khoảng thời gian của một thế hệ hôm nay vì sự phát triển bền vững của thế hệ mai sau.

Đây là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, không thể chậm trễ hơn nữa. Sự cam kết của chính phủ các quốc gia, các vùng lãnh thổ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2021 (COP26) với quyết tâm cao nhất, tinh thần gắn kết cao nhất, chung tay nỗ lực hành động vì sự thịnh vượng gắn với môi trường, khí hậu an toàn và bền vững được xem là mệnh lệnh cho những nỗ lực và hành động quyết liệt của chính các quốc gia.

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là “khủng hoảng kép” đối với nhân loại, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng “xanh”. Trong đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng tạo ra “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết.

Tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”, Người đứng đầu ngành tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn: "Chìa khóa vàng" giúp Việt Nam thực hiện các cam kết khí hậu - Ảnh 1
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được công bố.

Việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. "Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chúng ta có thể tin tưởng rằng có thể sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi", Bộ trưởng khẳng định.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

5 khuyến nghị thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi theo hướng Kinh tế tuần hoàn khi thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đánh dấu cột mốc trong việc lần đầu tiên đưa các nguyên tắc của Kinh tế tuần hoàn vào khung chính sách. Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nêu rõ: "Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường".

Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ Việt Nam thực hiện kinh tế tuần hoàn, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: "Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và carbon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Kinh tế tuần hoàn: "Chìa khóa vàng" giúp Việt Nam thực hiện các cam kết khí hậu - Ảnh 2
Việt Nam đang nằm trong 50 quốc gia có tỷ lệ điện tạo ra từ gió, mặt trời hơn 10%, do đó cần tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở đó, bà Caitlin Wiesen đưa ra 5 khuyến nghị có thể phù hợp với nền kinh tế Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng như mục tiêu tỷ lệ phát thải ròng bằng không.

Thứ nhất, tạo lập một khung khổ mới cho sứ mệnh “phục hồi kinh tế xanh”. Sự phục hồi kinh tế từ Covid-19 mang lại cơ hội lịch sử để các quốc gia trên thế giới chuyển sang mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Việc phục hồi xanh có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% so với kịch bản thông thường, đồng thời đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C để phù hợp với thỏa thuận Paris.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy GDP tạo ra từ kinh tế biển sẽ cao hơn 34% so với kịch bản thông thường của hoạt động kinh doanh vào năm 2030, nếu quốc gia áp dụng", bà Caitlin Wiesen nói và thông tin thu nhập của người làm nghề biển cũng sẽ cao hơn gần 80%.

Thứ hai, gắn kết kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh, vùng duyên hải. Với 70% dân số sống ở các khu vực ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, việc di dời đến các thành phố và trong các thành phố đang nhanh chóng được đẩy nhanh. Trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38% và đến năm 2050 ước tính lên tới 57%.

Với 70% dân số sống ở các vùng ven biển, đồng bằng trũng thấp thì việc di dời đến các thành phố sẽ nhanh chóng được đẩy nhanh. Cụ thể, trong 30 năm qua tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38%, ước tính tỉ lệ này sẽ là 57% vào năm 2050.

Đối với các tỉnh khác ở Việt Nam ngoài thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng một lộ trình kinh tế tuần hoàn cụ thể vẫn hiện thực hoá. Trong trường hợp đó, điều quan trọng là phải tiếp tục xây dựng hướng dẫn và đưa ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho các tỉnh đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2026.

Thứ ba, sản xuất và tiêu thụ bền vững và xanh. Ước tính có khoảng 45% lượng khí thải liên quan đến các doanh nghiệp khai thác, tiêu thụ và chất thải vật liệu. Do đó, các chiến lược tuần hoàn là rất quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng không. Đây là lý do tại sao 27% các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đã đưa nội dung đề cập đến kinh tế tuần hoàn trong các đóng góp do quốc gia quyết định.

Thứ tư, tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam đang nằm trong 50 quốc gia có tỷ lệ điện tạo ra từ gió, mặt trời hơn 10%. Theo nghiên cứu, chi phí năng lượng tái tạo rất thấp. Điều này khiến giá năng lượng tái tạo đã giảm 89% trong 10 năm qua. Thêm vào đó, lần đầu tiên, gió và mặt trời tạo ra hơn 10% điện năng trên toàn cầu vào năm 2021.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã mở rộng quy mô công suất năng lượng mặt trời từ gần như không có vào năm 2017 lên hơn 16.000 MW vào năm 2022, vượt xa các mục tiêu quốc gia.

Không những vậy, Việt Nam cũng có tiềm năng điện gió lớn, đặc biệt là gió ngoài khơi, với hơn 3.200 km bờ biển. Trong hai năm 2022 và 2023, chỉ riêng tại Sóc Trăng sẽ có 20 dự án điện gió được lắp đặt. Do đó, cần tập trung phát triển để đạt được các mục tiêu về kinh tế xanh.

Thứ năm, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, quá trình chuyển đổi phải mang lại lợi ích người dân. Các chính sách kinh tế tuần hoàn và khí hậu sẽ có ý nghĩa đối với tương lai của việc làm.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi tới thông điệp về tinh thần đoàn kết và cùng hành động trong giảm phát thải khí carbon, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch Covid-19; nhấn mạnh cơ chế hợp tác thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ...

Thủ tướng mong muốn thông qua diễn đàn, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn; đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa thực hiện cam kết khí hậu ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới