0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 15/03/2022 06:00 (GMT+7)

Phạt nặng trường hợp 'ăn theo' giá xăng để trục lợi, dư địa 'hạ nhiệt' vẫn là thuế phí

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu để kịp thời xử lý tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Để giá xăng dầu "hạ nhiệt", chuyên gia kiến nghị giảm thêm thuế, phí.

Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng

Chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã họp với một số Bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Do đó, việc quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan.

tm-img-alt
Ảnh minh họa nguồn Dân trí. 

Đối với riêng mặt hàng xăng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung; nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp; sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương cần tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Xăng dầu tăng giá cũng tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu từ đó tăng cường rà soát kê khai giá của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.

Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.

Không chỉ xăng dầu, giá thép xây dựng tại thị trường trong nước có thể tiếp tục tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai. Trong thời gian tới, giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung.

Bộ Tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), xi măng, thịt lợn, phân bón urê, gạo, giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giá vật tư, trang thiết bị y tế.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Ước tính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đến hết quý II năm nay, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để đẩy mạnh thực hiện.

Cách nào để giảm giá xăng tăng "sốc"?

Kể từ ngày 11/3, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 cùng các loại dầu tiếp tục tăng mạnh. Mức tăng lên tới gần 3.000 đồng/lít đến gần 4.000 đồng/lít, tùy loại.

Hiện xăng E5 RON 92 có giá bán 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít; dầu diesel 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít; dầu mazut 20.980 đồng/kg.

Xăng dầu liên tục xô đổ kỷ lục về giá gây áp lực lớn tới lạm phát, đời sống người dân, doanh nghiệp thêm khó khăn. Để hạ nhiệt thị trường, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022.

Sau khi được thông qua, việc giảm thuế này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4. Sau khi giảm thuế, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng mỗi lít.

Bàn thêm về cách hạ nhiệt giá xăng dầu, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho biết, dư địa để "hạ nhiệt" vẫn là thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị thêm giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả.

Tại sao doanh nghiệp xăng dầu càng bán càng lỗ?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết hiện giá xăng dầu đang đi sau thế giới nên gây ra hiện tượng tăng "sốc". 

Theo ông Thỏa, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường lại vẫn xảy ra bất ổn. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những bất cập cả về cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành.

Về cung cách điều hành, ông Thỏa cho rằng công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.

Vấn đề nổi cộm khác hiện nay, theo ông Thỏa, đó là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày. Nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày).

"Quy định đó làm cho giá trong nước lệch pha với giá thị trường thế giới. Giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo", ông Thỏa.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy điều đó khi kỳ điều hành đầu ngày 1/2 rơi đúng vào ngày nghỉ Tết. Việc nén lại thời gian điều chỉnh cho đến kỳ tiếp theo là 11/2 khiến thị trường xuất hiện những gián đoạn cục bộ cùng nhiều rối ren khác.

Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.

"Theo tôi, chu kỳ điều hành giá cần thay đổi theo hướng phù hợp với biến động của thị trường, có thể bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được như vậy thì trước mắt có thể ở mức 5 ngày. Thời gian này phù hợp với phương thức mua bán hiện nay cả các thương nhân xăng dầu", ông Thỏa đề xuất.

Theo các chuyên gia, trong lúc thị trường thế giới quá nhiều biến động, giá tăng - giảm liên tục thì việc trì hoãn lại với kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần khiến giá xăng dầu trong nước bị "dồn lại". Mức tăng hôm 11/3 vừa qua dao động từ 3.000 - 4.000 đồng mỗi lít là rất "sốc". Khi nghe thông tin này, người dân đã đổ xô đi mua xăng dầu trước thời điểm tăng giá.

Mặc dù giá tăng mạnh như vậy nhưng ngay tại ngày điều chỉnh hôm đó, doanh nghiệp xăng dầu vẫn "điệp khúc" càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ. Nguyên nhân được chỉ ra là do lấy giá của chu kỳ trước áp cho chu kỳ sau trong bối cảnh giá thế giới biến động theo chiều hướng đi lên. Việc linh hoạt hơn về thời gian điều chỉnh sẽ giảm độ "sốc" của mỗi lần tăng, đồng thời đảm bảo gỡ khó hơn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Hiện thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/3 và kỳ điều hành ngày 11/3 là: 132,25 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 18,77% so với kỳ trước); 135,7 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 18,86% so với kỳ trước).

Bạn đang đọc bài viết Phạt nặng trường hợp 'ăn theo' giá xăng để trục lợi, dư địa 'hạ nhiệt' vẫn là thuế phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới