0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 02/03/2022 15:47 (GMT+7)

Pháo đài kinh tế Nga ‘vật lộn’ với hàng loạt lệnh trừng phạt

Quy mô cuộc chiến kinh tế mà phương Tây khởi xướng với Nga được đánh giá là chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt đòn trừng phạt được tung ra ngay sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Pháo đài kinh tế Nga sẽ chống đỡ ra sao?

Phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga

Phương Tây đã đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bằng hàng loạt lệnh trừng phạt. Mới đây nhất là nỗ lực nhằm gây ra khủng hoảng ngân hàng, phá vỡ thế phòng thủ tài chính và đẩy kinh tế Nga vào suy thoái. Giới phân tích đánh giá chưa bao giờ một nền kinh tế có tầm quan trọng toàn cầu như Nga trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt ở mức độ này.

tm-img-alt
Phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga.

Quan chức phương Tây mô tả chiến dịch của họ là một cuộc chiến kinh tế nhằm trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin và cô lập Nga. Tổng cộng, các lệnh trừng phạt đang phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 1/3 cho biết.

Phương Tây đã cấm hai ngân hàng lớn nhất Nga – Sberbank và VTB – tiếp cận trực tiếp đôla Mỹ. Họ cũng loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT – hệ thống hỗ trợ thanh toán và kết nối các tổ chức tài chính toàn cầu. Liên minh này đang nỗ lực ngăn Ngân hàng trung ương Nga bán đôla và các ngoại tệ khác để hỗ trợ đồng ruble và nền kinh tế.

"Phương Tây khiến nhiều người ngạc nhiên khi theo đuổi chiến lược gây sức ép kinh tế lớn lên Nga, thông qua việc cô lập Nga khỏi các thị trường tài chính toàn cầu", Oliver Allen – kinh tế trưởng tại Capital Economics cho biết, "Nếu Nga vẫn duy trì hướng đi hiện tại, các lệnh trừng phạt có thể chỉ là khởi đầu cho quá trình cắt đứt sợi dây liên kết về tài chính và kinh tế của Nga với thế giới".

Các nước phương Tây đã loại trừ việc gửi quân đội đến Ukraine. Vì vậy, trừng phạt là sẽ thách thức chính với Nga. Theo Oxford Economics, các biện pháp trên có thể khiến GDP Nga giảm 6%.

"Nói đơn giản, chiến lược của chúng tôi là đảm bảo kinh tế Nga bị kéo tụt nếu Tổng thống Putin vẫn tiếp tục các động thái hiện tại ở Ukraine", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Tổng thống Joe Biden: "Mỹ và Đồng minh sẽ vắt kiệt nền kinh tế Nga"

Sau Canada và châu Âu, Mỹ chính thức đóng cửa không phận với Nga. Tổng thống Joe Biden phát biểu trong Thông điệp Liên bang: "Tôi tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ đóng cửa không phận Mỹ với toàn bộ các chuyến bay của Nga, tăng cường cô lập và vắt kiệt nền kinh tế Nga".

Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ áp dụng lệnh cấm vào cuối ngày 2/3 và ngừng hoạt động tất cả máy bay được sở hữu, chứng nhận, khai thác, đăng kí, thuê hoặc kiểm soát hoặc phục vụ cho lợi ích của công dân Nga.

Lệnh cấm áp dụng cho các chuyến bay chở hàng, chở khách, các chuyến bay được đặt trước hoặc thuê. Bộ Giao thông tuyên bố "đóng không phận Mỹ đối với toàn bộ các hãng bay thương mại và máy bay dân dụng của Nga."

tm-img-alt
Mỹ và đồng minh sẽ đóng cửa không phận Mỹ với toàn bộ các chuyến bay của Nga. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden đang bị các nhà lập pháp ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa gây áp lực, đòi cắt đứt nhập khẩu dầu khí Nga vào Mỹ để gia tăng phí tổn lên Moscow.

Lưỡng đảng Mỹ đang kêu gọi chính quyền ông Biden cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, làn sóng ủng hộ mạnh mẽ tương tự như khi các đảng viên Dân chủ đề xuất loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hôm 1/3, ông Ed Markey, thuộc Đảng Dân chủ và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã giới thiệu dự luật cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga vào Mỹ.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (cũng thuộc Đảng Dân chủ) đang dẫn đầu nỗ lực khác là kêu gọi chính phủ cho phép mở rộng hoạt động khoan dầu trong nước để Mỹ có thể tăng cường xuất khẩu sang các đồng minh NATO.

tm-img-alt
Lưỡng đảng Mỹ đang kêu gọi chính quyền ông Biden cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Ông Manchin gọi việc Mỹ phụ thuộc vào năng lượng của Nga là "lố bịch". Ông không phải là đảng viên Dân chủ duy nhất muốn thay đổi chính sách của chính quyền Biden về dầu khí.

Trong 2021, mỗi ngày Mỹ mua khoảng 600.000 thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga, tăng 24% so với năm trước, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA). Con số này tương đương với khoảng 3% tiêu thụ dầu của Mỹ.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đề xuất lệnh dự luật cấm nhập khẩu Nga của họ vào cuối ngày 1/3.

Nga sẽ chống đỡ như thế nào? 

Kể từ năm 2014, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp lệnh cấm vận lên Moskva sau việc Nga sáp nhập Crimea và máy bay MH 17 của Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine, ông đã làm mọi cách để giúp nền kinh tế chống chịu được những lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn.

Moskva tích cực giảm phụ thuộc vào đồng đôla, hạn chế chi tiêu công và tăng tích trữ ngoại hối. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nga thúc đẩy sản xuất nội địa một số hàng hóa bằng cách cấm sản phẩm tương tự của nước ngoài. Dự trữ ngoại hối cũng được nâng lên 630 tỷ USD hiện tại. Đây là con số khổng lồ so với hầu hết các nước khác.

tm-img-alt
Kinh tế Nga hiện lớn thứ 11 thế giới.

Kinh tế Nga hiện lớn thứ 11 thế giới, với GDP 1.500 tỷ USD, chỉ sau Hàn Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Những vòng phòng thủ này giờ đang chịu thử thách rất lớn. Theo Capital Economics, các lệnh trừng phạt đã khiến 50% dự trữ ngoại hối của Nga trở nên vô dụng. 

"Điều kiện bên ngoài với kinh tế Nga đã thay đổi rất mạnh", Ngân hàng Trung ương Nga cho biết hôm 28/2. Cơ quan này đã nâng lãi suất lên gấp đôi, chạm 20%. "Việc này là cần thiết để hỗ trợ tài chính, ổn định giá cả và bảo vệ tiền tiết kiệm của người dân", thông báo cho biết.

Nga cũng đang áp các lệnh kiểm soát vốn ngặt nghèo. Ngân hàng Trung ương Nga đã yêu cầu các công ty bán ngoại tệ hôm 28/2 để kéo ruble lên khi đồng tiền này xuống thấp kỷ lục so với đôla Mỹ. Ông Putin cũng đang soạn thảo sắc lệnh tạm cấm các công ty và nhà đầu tư ngoại bán tài sản ở Nga.

"Bộ đệm hơn 600 tỷ USD của Nga chỉ mạnh nếu Putin có thể sử dụng mà thôi", một quan chức chính quyền Mỹ cho biết.

Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Mọi con mắt đều đang đổ dồn vào hệ thống tài chính Nga. Nhiều tờ báo đã đưa tin về tình trạng người Nga xếp hàng dài trước các ATM để rút tiền mặt. Các ngân hàng Nga cũng sẽ chịu sức ép lớn hơn nếu người vay không thể trả tiền khi các gia đình và doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng.

Liam Peach – Kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết, các ngân hàng Nga có thể phải bán tài sản với giá rẻ. Tín dụng sẽ khan hiếm, khiến thiệt hại kinh tế từ lệnh trừng phạt càng trầm trọng. "Các lệnh trừng phạt của phương Tây cuối tuần trước đã đẩy các ngân hàng Nga đến bờ vực khủng hoảng", Peach cho biết.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 28/2 cho biết, Sberbank Europe đang hoặc sẽ sụp đổ vì "lượng tiền gửi bị rút ra lớn" do cuộc khủng hoảng hiện tại.

Một vấn đề khác là các ngân hàng Nga chỉ có đủ tiền mặt cho 15% số tiền gửi ngoại tệ hiện tại. Ngân hàng trung ương thường sẽ cung cấp ngoại tệ cho các ngân hàng. Nhưng việc này đang gặp thách thức khi nửa số dự trữ ngoại hối của họ có thể không sử dụng được, và họ cũng đang phải bảo vệ đồng ruble. Sức ép này có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Nhờ dầu mỏ và khí đốt, kim ngạch xuất khẩu của Nga hiện vượt xa nhập khẩu. Các khoản thanh toán với hai mặt hàng này đang là nguồn thu ngoại tệ lớn của Nga. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể chuyển lượng tiền lớn ra khỏi đây khi đồng ruble mất giá, buộc Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng khoảng 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối năm nay, Capital Economics cho biết.

Bên cạnh đó, phương Tây cũng có thể mạnh tay hơn. Mỹ và các đồng minh có thể loại thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi SWIFT và cấm vận khắt khe hơn với khả năng tiếp cận đồng euro, đôla của họ. Các nước này cũng có thể chặn đường xuất khẩu năng lượng của Nga, dù cách này sẽ khiến giá tăng vọt.

Bạn đang đọc bài viết Pháo đài kinh tế Nga ‘vật lộn’ với hàng loạt lệnh trừng phạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023