Xung đột Nga-Ukraine: Giá vàng trong thời gian tới sẽ đi theo hướng nào?
Vàng từ lâu đã được coi là tài sản trú ẩn để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Những ngày gần đây, vàng đang là loại tài sản được quan tâm nhất trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo dữ liệu của Tradingviews, tính từ khi xảy ra căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, giá vàng quốc tế giao ngay đã tăng khoảng 0,79% lên 1.922 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều ngày 1/3. Trước đó, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm tại 1.974 USD/ounce vào ngày 24/2.
Giá vàng thế giới biến động liên tục trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine diễn biến khó lường. Khi có thông tin Nga và Ukraine đồng ý đàm phán, giá vàng ngay lập tức sụt giảm.
Tuy nhiên, sau đó, thông tin Ngân hàng Trung ương Nga (CRB) tới khởi động mua vào trên thị trường nội địa nhằm ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh phương Tây áp một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, giá vàng quay đầu tăng trở lại.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng biến động mạnh khi có lúc vọt lên hơn 66 triệu đồng/lượng chiều bán ra vào ngày 25/2 và liên tục neo ở mức cao từ đó đến nay.
Giá vàng trong nước sẽ chạm ngưỡng 70 triệu đồng
Các nhà phân tích nhận định, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá vàng thế giới có thể nhanh chóng leo lên mức 2.000 USD/ounce.
Ông David Madden, nhà phân tích thị trường Quỹ đầu tư Equiti Capital (Anh), cho rằng trong môi trường hiện tại với quá nhiều bất ổn về địa chính trị, giá vàng sẽ đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại trong vài ngày tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài sẽ tác động sâu sắc đến hàng loạt các thị trường hàng hoá, đặc biệt giá dầu có thể luôn duy trì ở mức cao. Giá năng lượng càng cao, lạm phát càng kéo dài. Điều này giúp duy trì động lực cho giá vàng tăng mạnh.
"Với nhiều dự đoán giá vàng sẽ vượt trên 2.000 USD/ounce, trong khi thị trường vàng trong nước luôn duy trì trạng thái độc quyền và neo giá chênh lệch rất cao so với vàng thế giới.
Do đó, mỗi bước tăng giá vàng thế giới sẽ đẩy giá vàng trong nước lên rất cao. Tôi dự đoán trong thời gian đến, giá vàng trong nước sẽ bị đẩy lên 70 triệu đồng/lượng nếu giá vàng thế giới vượt mức kỷ lục năm 2020 là 2.070 USD/ounce"- ông Hiếu nói.
Đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc?
Theo nhóm phân tích Chứng khoán VnDirect, vàng vốn dĩ được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
VnDirect dẫn thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Theo số liệu thống kê của nhóm phân tích, giá vàng tăng mạnh nhất sau sự kiện chiến tranh vùng vịnh 1990 khi lập đỉnh sau 19 ngày xảy ra cuộc chiến với tỷ suất sinh lời 11,6%. Mức tăng này sau vụ khủng bổ 11/9 và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea là 7,9% và 5,4%.
Trong khi đó, giá vàng chỉ nhích nhẹ 0,2% sau khi Mỹ tấn công Panama vào năm 1989 và ném bom Syria vào năm 2018. Ở cả hai sự kiện này, giá vàng lập đỉnh chỉ sau vỏn vẹn 1 ngày và 4 ngày xảy ra sự kiện.
Trên cơ sở đó, VnDirect cho rằng trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn. Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.