0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 15/11/2021 13:29 (GMT+7)

PGS.TS Dương Văn Chín: 'Đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính'

Đó là chia sẻ mới đây của Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. Dù vậy, ông Chín cho rằng: "Trung Quốc là thị trường khổng lồ mà tất cả các nước đều mong muốn đưa hàng vào, trong khi Việt Nam lại ở ngay bên cạnh, không tranh thủ là dại”.

tm-img-alt
Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc”. Ảnh: VTV

Mới đây, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tọa đàm nhằm thảo luận về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhu cầu của Trung Quốc nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao gia tăng, qua đó góp phần phục hồi và hỗ trợ các ngành xuất khẩu nông, thuỷ sản trong nước vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Thị trường Trung Quốc là "mỏ vàng" đầy tiềm năng

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng thống nhất quan điểm, yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông, thủy sản ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới chất lượng, phương thức sản xuất.

Từ đây, để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Trả lời trên báo Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tán thành với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Nhưng ông cũng thẳng thắn nhận định, cho đến nay thực hiện những việc này đã là tương đối muộn.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín: "Những việc này chúng ta đã nói nhiều năm qua, ai cũng biết, vấn đề là là phải hành động, lao vào mà làm và phải làm thực chất".

Ông Chín khẳng định, Việt Nam đa dạng hóa thị trường là tất yếu, để tránh rủi ro "bỏ chung trứng vào một giỏ" khi phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc, nhất là khi thị trường ấy thường xuyên thay đổi. Dù vậy, Trung Quốc là thị trường khổng lồ mà tất cả các nước đều mong muốn đưa hàng vào, trong khi Việt Nam lại ở ngay bên cạnh, không tranh thủ là dại.

Lối đi nào cho nông sản Việt? 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL lưu ý: "Đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính. Hãy nghĩ rằng người dân Trung Quốc cũng đòi hỏi các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao y như người châu Âu, người Mỹ, để từ đó làm ra sản phẩm có chất lượng như ở thị trường khó tính. Có như vậy nông, thủy sản Việt Nam mới cạnh tranh được với thế giới, xuất đi Trung Quốc, hoặc bất kỳ thị trường khó tính nào như Nhật, châu Âu, Mỹ".

tm-img-alt
Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Việt Nam muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải tìm hiểu thị trường Trung Quốc cần những mặt hàng nào, tiêu chuẩn ra sao, điều kiện để xuất vào đó như thế nào... Sau đó, về phổ biến ở trong nước, Bộ NN-PTNT phải tổ chức sản xuất với từng sản phẩm cụ thể. Chỉ khi đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường thì nông sản Việt mới xuất được.

"Thời gian qua, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản "tự bơi" là nhiều, họ tự chạy, tự kiếm mối... vừa không hiệu quả vừa lãng phí. Dĩ nhiên không thể phủ nhận doanh nghiệp rất nỗ lực, đó là chuyện đương nhiên bởi doanh nghiệp kinh doanh, bỏ vốn thì phải tìm kiếm lợi nhuận.

Nhưng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm hiểu kỹ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp một cách minh bạch, rõ ràng vì có những thông tin khi doanh nghiệp tiếp xúc với cơ quan, chính phủ Trung Quốc không được cung cấp", nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chỉ rõ.

Đặc biệt, Việt Nam phải xuất khẩu theo con đường chính ngạch, không thể cứ làm ăn theo kiểu chở nông sản đến cửa khẩu, phía Trung Quốc không mở cửa hay gây khó khăn, lập tức, hàng chục, hàng trăm xe chất đống, hư hỏng.

PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh: "Tất cả phải ký hợp đồng, và cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ NN-PTNT, phải nắm thật chắc: toàn quốc loại nông sản này tháng nào là tháng nhiều nhất, sản lượng bao nhiêu, giống gì, chất lượng ra sao, khả năng bán giá thấp nhất để người dân sống được là cỡ nào?

Tất cả những thông tin đó phải có dự báo trước. Hiện nay, với trí tuệ nhân tạo, IoT, big data... chúng ta có thể làm được công tác dự báo một cách dễ dàng, từ ngày gieo trồng biết được tháng nào thu hoạch, năng suất, sản lượng bao nhiêu... Những vấn đề đó phải tính".

Bạn đang đọc bài viết PGS.TS Dương Văn Chín: 'Đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023