Nóng tình trạng vận chuyển hàng giả, hàng nhái qua đường hàng không
Hiện nay thực trạng gia tăng hành vi vận chuyển hàng giả, gian lận thương mại qua đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, những vụ tiếp viên, phi công Việt Nam bị bắt giữ vì tiếp tay buôn lậu, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của hàng không Việt Nam, bất chấp việc các hãng bay trong nước ban hành những quy định ngặt nghèo để hạn chế các hoạt động phi pháp.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội nhận định, trong những tháng đầu năm 2022, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình vận chuyển hành khách qua đường hàng không có giảm, lượng hành khách xuất nhập cảnh không có do ngừng chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không vẫn tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.
Các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược… Trong đó, mặt hàng ma túy được giấu trong hàng hóa gửi về Hà Nội bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các cảng ICD Mỹ Đình, Gia Lâm…
Trước đó, đầu năm 2022, trong Kế hoạch Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã đề nghị các hãng hàng không gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines); các công ty hàng không Vietjet, Pacific Airlines, VASCO, Ngôi sao Việt, Tre Việt, Viettravel Airlines, Hải Âu, Bầu Trời Xanh chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.
Đồng thời tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường kỷ cương, hiệu quả và hiệu lực của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không.
Theo đó, Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam chủ động bố trí các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động của tổ bay; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu lĩnh vực phụ trách trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2013 và Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận về việc “Tạm đình chỉ ngay công việc của nhân viên hàng không đang đảm nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; Không sử dụng vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa...”.
Các hãng hàng không Việt Nam thông báo ngay về Cục Hàng không Việt Nam khi xảy ra vụ việc nhà chức trách nước ngoài kiểm tra thành viên tổ bay của hãng. Cục HKVN yêu cầu các Cảng vụ hàng không kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị này tại các địa bàn do Cảng vụ phụ trách. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Hương Mi