Nợ hàng nghìn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai
Tổng vay nợ của HAG tới cuối quý II/2022 chiếm 47% nguồn vốn và gấp 1,94 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 6.440 tỷ đồng, dư nợ ngân hàng là 2.461 tỷ.
Lỗ lũy kế gần 4.000 tỷ đồng
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần của công ty đạt 1.233 tỷ đồng, tăng gần 127%, tương ứng 689 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ trái cây chiếm tỉ trọng lớn nhất, lên tới 52% trong cơ cấu doanh thu với 643 tỷ đồng, tăng 223% so với quý II/2021 và ghi nhận biên lợi nhuận gộp hơn 31%.
Việc kinh doanh thịt heo đem về cho công ty 259 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán heo là 66 tỷ, gấp 2,35 lần quý II/2021 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.
Giá vốn bán hàng trong kỳ cũng tăng 474 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá vốn bán trái cây tăng 244 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 442 tỷ đồng; giá vốn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ tăng 199 tỷ đồng, đạt 327 tỷ đồng; giá vốn bán heo tăng 31 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 193 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ tăng 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 91 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trong kỳ sản lượng bán trái cây và bán hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý trong kỳ giảm 557 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân do trong quý II tập đoàn đã tăng hoàn nhập dự phòng cho các khoản phải thu.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính trong kỳ giảm 23 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí hoạt động tài chính trong kỳ tăng 660 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do trong quý II, Hoàng Anh Gia Lai đã trích lập dự phòng khoản đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG), đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tăng cao.
Công ty báo lãi 272 tỷ đồng quý II, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, HAG đạt doanh thu thuần 2.036 tỷ đồng, lãi ròng 522 tỷ đồng, tăng 151% về doanh thu và gấp gần 28,7 lần về lợi nhuận.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, tăng lần lượt 130% và 775% so với thực hiện năm ngoái.
Với kết quả ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II, công ty đã hoàn thành 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm và hơn 42% mục tiêu doanh thu năm. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAG kể từ năm 2015 tới nay. Năm nay, công ty tiếp tục không thực hiện chia cổ tức.
Dù có lãi năm 2021 và nửa đầu năm nay, song khoản lỗ lũy kế tính tới 30/6 vẫn còn 3.946 tỷ đồng, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái âm 1.181 tỷ nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 4.640 tỷ đồng.
Trước đó, trong thư gửi cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG cho biết, nửa đầu năm, giá xuất khẩu chuối rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm chỉ còn bình quân 6,5 USD đến 8,5 USD/thùng kéo dài hơn hai tháng gần đây và giá bán heo bình quân cũng chỉ giao động từ 53.000 đồng tới 55.000 đồng/cp quanh mức giá lập kế hoạch tại thời điểm đầu năm.
Sản lượng heo tiêu thụ trong 6 tháng của HAGL đạt 82.529 con. Sản lượng trái cây tiêu thụ là 109.807 tấn, trong đó chuối xuất khẩu là 81.569 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 28.238 tấn.
Từ nay đến cuối năm, khi giá bán chuối đi vào chu kỳ cao nhất trong năm khoảng từ tháng 9 trở đi và giá bán heo tiếp tục tăng cao như hiện nay (tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch) và sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm.
"Công ty dự kiến sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm và thậm chí vượt kế hoạch 20-30%", ông Đoàn Nguyên Đức nêu rõ trong thư gửi cổ đông Tập đoàn.
Nợ vay hơn 9.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của tập đoàn đạt 19.254 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đến thời điểm 30.6 là 4.639 tỷ đồng, trong khi đó, nợ phải trả lên tới 14.614 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng nợ đi vay là 9.021 tỷ đồng, chiếm 47% nguồn vốn và gấp 1,94 lần vốn chủ sở hữu. Nửa đầu năm, công ty đi vay 1.140 tỷ đồng thời hoàn trả nợ gốc vay gần 674 tỷ đồng. Nửa đầu năm, tổng chi phí lãi vay của HAGL lên tới 330 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, dư nợ trái phiếu là 6.440 tỷ đồng, trong đó khoản trái phiếu dài hạn là 5.146 tỷ đồng còn 1.294 tỷ đồng sẽ đến hạn trả trong vòng một năm.
Dư nợ ngân hàng cuối quý II/2022 là 2.461 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ tại Sacombank là 815 tỷ đồng, VPBank 500 tỷ đồng, Eximbank 598 tỷ đồng, TPBank 294 tỷ đồng và 254 tỷ đồng từ Ngân hàng Liên doanh Lào Việt. Hiện chi tiết về lãi suất và thông tin tài sản đảm bảo không được công bố.
Giá cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán cũng đang phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư. Mã HAG chiều ngày 1/8 đang giao dịch quanh mức 11.450/cổ phiếu, tăng 50% so với cách đây một tháng. Thanh khoản cổ phiếu cũng duy trì ở mức cao khi thường xuyên đạt trên 200 tỷ đồng mỗi phiên.
Doanh nghiệp này vẫn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng sau khi bán 25,4 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ phần bảo đảm cho khoản trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên nhưng không báo cáo. Với vi phạm này, công ty cũng đã nộp phạt 3 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai hồi tháng 4/2022 cũng cho biết đang huy động nguồn tiền gần 1.700 tỷ đồng bằng cách phát hành là gần 162 triệu với giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu.
Có 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành, gồm Công ty TNHH Glory Land với 95,2 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 8,74%), Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Việt Cát với 47,6 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 4,37%) và ông Nguyễn Đức Quân Tùng với 19 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 1,75%). Cả 3 nhà đầu tư này đều không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HAG nào trước đó. Vốn điều lệ của HAGL sẽ tăng từ 9.275 tỷ đồng lên 10.893 tỷ đồng.