Những nguyên tắc chống ngán cho mâm cỗ Tết
Món ăn ngày Tết khá đau đầu với các bà nội trợ vì làm sao để ngon mà còn chống ngán cho con trẻ vả người lớn.
Tết ăn ngon mà không ngán
Bữa ăn người Việt có ẩn chứa quy tắc riêng, có món cần ăn trước, món cần ăn sau. Ngày Tết nếu ăn ngay miếng bánh chưng thì bạn sẽ ngán cả bữa ăn. Do đó ăn cần đúng cách và cân bằng dinh dưỡng.
Nếu mâm cơm Tết có 4 - 5 món thì bạn chỉ nên ăn mỗi món 1 - 2 lần.
Nếu trên mâm cỗ tết có chừng 2-3 món bạn chỉ ăn mỗi món chừng 2 - 3 lần (khoảng 2-3 thìa).
Ví dụ bữa trưa mùng 1 Tết bạn ăn 150g thịt, 1/2 cái bánh chưng/tét, rồi thịt gà, hay giò, chả... và một góc đĩa xôi thì bạn sẽ ngán ăn ngay bữa sau. Đó là do trong 4-6 giờ sau khi ăn hệ tiêu hóa không tiêu hóa nổi khối lượng đạm, béo và tinh bột vì không có đủ dịch tiêu hóa, dẫn đến thức ăn dư thừa trong ruột và ức chế trung tâm ăn uống trên não và dẫn tới ngán ăn.
Nếu bạn ăn quá nhiều, quá đậm đặc mùi vị ngọt, béo, mặn, đắng, chua, cay trong thực phẩm còn khiến các gai vị giác nằm ở lưỡi bị trơ lì, không bị mùi vị kích thích ăn nữa.
Nếu ăn các món béo cùng một bữa thì độ béo sẽ dư thừa, khiến bạn bị ngấy/ ngán ăn dù lúc đó chưa no. Các món xào, rang dễ bị thừa vị mặn. Các món quá ngọt, quá cay, quá mặn, quá béo cũng dẫn tới ngán ăn. Nếu ngồi vào mâm bạn "chiến" tất cả các thực phẩm cùng một lúc sẽ không thấy được mùi vị chính của món ăn.
Cho nên để ăn Tết ngon mà không bị ngán thì cần biết những bí quyết sau:
1. Ăn vừa đủ, sao cho vẫn hơi thòm thèm. Ví dụ mỗi bữa ăn Tết chỉ nên ăn 1/6 cái bánh chưng, hoặc 1/6 đĩa xôi. Nếu đã ăn một bát cơm thì chớ ăn tiếp một bát miến nữa.
2. Ăn đúng thứ tự, vào bữa nhấm một chút rượu vang, ăn một số món nhẹ. Sau đó muốn ăn nóng thì dùng súp, thích ăn nguội thì có giò thái mỏng, salad. Tiếp đó mới là món chính nóng, đậm đà hương vị như cơm, gà chiên, thịt đông, các món xào, bánh chưng.
Nên ăn các món từ các món ăn nhẹ (súp) tới các món ăn nhiều đạm (thịt các loại), các món ăn thanh đến đậm. Đừng làm theo chiều ngược lại vì sẽ xóa nhòa vị giác. Ví như ăn salad rồi mới ăn món xào, ăn bánh chưng rồi mới ăn cơm nóng, ăn giò chả thái rồi mới ăn đến thịt luộc, hấp/chiên - như thế mới bảo toàn đủ vị cho món ăn.
3. Bữa cơm Tết không chỉ ăn một nơi, mà nhiều nơi nên sẽ có những món ăn không hợp nhau và dễ bị tiêu chảy. Vì vậy cần biết kết hợp món ăn như sau:
- Món béo đi với chua (bánh chưng đi với dưa hành, thịt mỡ đi với dưa bẹ).
- Món giàu đạm đi với cay (như thịt gà chấm với muối tiêu).
- Món hàn lạnh đi với ấm nóng (như canh thịt vịt đi với chút gừng) sẽ thấy hết ngán.
Lưu ý là các món hàn, lạnh, nguội sẽ làm tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa - nên không kết hợp cùng với nhau.
4. Ăn uống hài hòa, không chỉ ăn mỗi thịt cá - mà phải ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng, đặc biệt khuyến cáo là ăn nhiều rau củ vì đó là những thực phẩm trung hòa, cung cấp nhiều vitamin quan trọng cho cơ thể, giúp bữa ăn thanh và bớt ngán hơn. Rau củ không nên xào vì sẽ làm mất đi tính thanh đạm của nó.
Bên cạnh rau củ là các loại trái cây - là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối lượng đạm, béo, giàu năng lượng trong các bữa ăn Tết. Cam, quýt, bưởi đáp ứng nhu cầu nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C, có lớp vỏ tự nhiên bảo quản lâu... nhưng cần chọn loại tươi, sạch, không bị giập nát, không có vết thâm/ úng bên trong thịt quả (dù vỏ ngoài tươi đẹp).
Trái cây, rau củ quả các loại có thể mua được sau Tết (mùng 2, mùng 3) nên người dân chỉ mua dự trữ vừa đủ vài ngày, không nên mua quá nhiều.
5. Món tráng miệng cuối bữa đừng nên ăn quá chua, hoặc quá cay, hoặc quá ngậy - vì sẽ làm dư vị bữa ăn tồn lưu rất lâu và khó chịu. Chỉ nên ăn nhẹ các món trung hòa, hoặc hơi ngọt.
Các món ăn, uống chống ngán
Để chống ngán nên ăn các món rau luộc (như su su luộc, bắp cải luộc, ngọn bí luộc, su hào luộc...); các món muối (như dưa bẹ muối, dưa hành muối); các món nộm, dưa góp; các món tái (như hành tái, cải cúc tái, cải thảo tái), sống (cà chua sống, dưa chuột sống, rau thơm sống...).
Các món ăn chống ngán dịp Tết phải kể là canh chua (nấu cá, xương…), canh cua đồng (ăn với bún, cơm, rau sống), canh đậu phụ… vừa dễ ăn, vừa giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng.
Món chè đậu xanh, cháo đậu xanh giúp thải độc thanh lọc cơ thể - nhất là người uống nhiều rượu bia vào dịp Tết, và giúp giải ngán.
Ngoài ra có những thức uống rẻ tiền, giúp người thân nhanh chóng thoát chứng ngán ăn như nước ép cà chua, nước chanh, nước ép cà rốt, nước ép dưa chuột, dưa leo, nước ép đu đủ… rất tốt để chống ngán, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp tinh thần luôn vui vẻ và sảng khoái trong những ngày đầu năm mới.
Món rau cần tây chống ngán ngày Tết rất hiệu quả. Theo đông y thì cần tây tính hơi ấm, cay, vào kinh phế, thận, dạ dày còn có công dụng lợi tiểu, tiêu độc. Nước cần tây nhiều dưỡng chất, có khả năng giải độc, đưa các độc tố ra khỏi cơ thể. Nhưng các thầy thuốc khuyến cáo chỉ dùng cần tây tươi 40-50g/ ngày (nếu là cần tây khô 15g/ ngày). Cũng không dùng cần tây dài ngày vì sẽ hại khí, nếu phải dùng liên tục chỉ 1 tuần là dừng, nghỉ 2 tuần rồi mới tiếp tục dùng.
Món sữa chua vừa chống ngán, tăng cường miễn dịch, phòng chống nhiều bệnh mùa Tết. Món đu đủ chín giúp chống ngán, tiêu hóa tốt. Hoặc ninh đu đủ với xương thịt sẽ giúp món thịt bớt ngấy, chống ngán.