Ninh Bình không tổ chức lễ hội và bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022
Dịp Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Ninh Bình tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và không bắn pháo hoa đêm giao thừa; yêu cầu các đơn vị, tổ chức không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm...
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Ninh Bình tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và không bắn pháo hoa đêm giao thừa; yêu cầu các đơn vị, tổ chức không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm...
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Ninh Bình về phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm "đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết".
Sở Y tế tỉnh được yêu cầu phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; tập trung, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân.
Ngành Y tế tỉnh cần chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 3, bảo đảm tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24h; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị để tổ chức điều trị người bệnh Covid-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ... trong những ngày Tết.
Các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng, phân tuyến, giám sát phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với người bệnh và người nhà người bệnh đến khám, tư vấn, điều trị; thực hiện nhiệm vụ kép đảm bảo an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và khám, chữa bệnh tốt; đẩy mạnh thực hiện khám, tư vấn, điều trị từ xa.
Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng;...