Những khu vực nào đang có mức giá bất động sản giảm mạnh?
Các chuyên gia dự báo việc giá bất động sản giảm trong những tháng cuối năm khó xảy ra, tuy nhiên giá một số phân khúc sẽ chững lại, để đẩy mạnh tính thanh khoản và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Giá bất động sản giảm đang lan nhanh các tỉnh thành
Thời điểm này, xu hướng giảm giá bất động sản đang lan nhanh các tỉnh thành, tập trung ở phân khúc đất nền.
Theo báo cáo của các đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, tại từng khu vực giá bất động sản đều hạ nhiệt. Đối với phân khúc đất nền mức độ quan tâm giảm mạnh nhất.
Như tại Lâm Đồng, hoạt động mua bán đất nền sụt mạnh với hơn 6.000 nền được giao dịch thành công trong quý III, giảm 13.000 nền so quý II/2022, giá xuống nhẹ. Một số nhà đầu tư đã phải chấp nhận cắt lỗ.
Hay tại Thanh Hóa có 18 dự án đang chào bán, nhu cầu ở thực tăng mạnh trong quý III, nhưng đến cuối quý 3, đầu quý IV thì chững lại do khó khăn tài chính. Khách hàng chuyển sang xu hướng đầu tư đất nền ở khu vực có nguồn vốn đầu tư công lớn.
Còn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ghi nhận tình trạng đầu cơ giảm so 6 tháng đầu năm nay, hiện tượng nhà đầu tư bỏ cọc nhiều... các khu đất, dự án trước kia tấp nập người mua kẻ bán giờ vắng vẻ, lác đác người hỏi giá nhưng không đặt vấn đề mua, cọc...
Chia sẻ vấn đề này, đại diện của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đất nền các huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều đợt sốt đất cục bộ trong những năm gần đây. Đến đầu năm 2022, tuy một số thị trường vẫn giữ được độ "nóng" song đã dần hạ nhiệt.
Cũng theo báo cáo của batdongsan.com.vn, hiện tượng giảm giá bất động sản ở phía Bắc diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc đều sụt giảm khá mạnh so với quý II, sâu nhất lên đến 45% tại các địa bàn như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam. Các thành khác cũng ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 10-20%.
Những tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên thì ngược lại, ghi nhận lượt tìm kiếm tăng so với quý II, trong đó địa bàn tăng mạnh nhất là Lai Châu, lên đến 82%.
Về mức giá, Bắc Ninh ghi nhận mức giá bán đất nền sụt giảm 6% trong quý III/2022 so với quý II/2022 (từ 28 triệu đồng/m2 xuống 26 triệu đồng/m2). Hưng Yên ghi nhận mức biến động giá bán đất nền không đổi, giátrung bình gần 20 triệu đồng/m2.
Quảng Ninh ghi nhận mức giá rao bán đất nền giảm 7%, từ 26 triệu đồng/m2 xuống 24 triệu đồng/m2. Tại Bắc Giang, giá bán đất nền giảm 5%, từ 17 triệu đồng/m2 xuống 15 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát này chỉ ra rằng, Hải Phòng là địa phương ghi nhận mức giá bán đất nền tăng 3% từ mức gần 29 triệu đồng/m2 lên tới 31 triệu đồng/m2.
Còn tại Hà Nội, mức giá bán đất nền cũng ghi nhận sự khác biệt giữa các khu vực. Ở Hoài Đức, giá bán đất nền ghi nhận tăng 5%, nhưng mức độ quan tâm giảm tới 17%. Tại Hà Đông, giá bán đất nền tăng 1% nhưng lượng quan tâm giảm 18%. Tại Sóc Sơn, giá bán đất nền tăng 4% và mức độ quan tâm giảm 30%.
Gia Lâm cũng là khu vực nằm trong danh sách ghi nhận mức giá bán tăng 2% nhưng mức độ quan tâm giảm 28%.
Trong khi đó, các huyện như Quốc Oai, giá đất nền giảm 1%. Thanh Trì ghi nhận mức giá giảm mạnh 9% và con số này ở Long Biên là 10%. Tại Đông Anh, mức giá bán giảm 4%.
Theo đơn vị nghiên cứu bất động sản này, lượng quan tâm sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá đất nền hạ nhiệt. Đất nền cũng là loại hình liên tiếp ghi nhận các đợt sốt nóng trong 2 năm qua nên giá buộc phải chững hoặc giảm để tìm điểm cân bằng cung - cầu.
Giá có thể giảm 20-30%
Trước đó, nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, phân khúc nào tăng giá mạnh mẽ nhất giai đoạn trước sẽ giảm sâu nhất trong thời gian tới. Đặc biệt là đất vùng ven và ngoại tỉnh, đất ở nông thôn, đất đang chờ quy hoạch ăn theo các khu công nghiệp, dịch vụ. Còn đất tại trung tâm các thành phố lớn sẽ vẫn giữ giá, thậm chí sẽ tăng nhẹ ở một số phân khúc khi nhà đầu tư tính tới phương án an toàn là giữ tiền để trú ẩn trước tình hình lạm phát.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản giảm ở một số phân khúc bị "thổi giá" trong thời gian qua, một số phân khúc có giá đất quá ảo. Còn với những phân khúc phục vụ nhu cầu thực, theo ông Đính, việc giảm giá là rất khó trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Ông Đính nhận định: "Các phân khúc bị thổi giá hay trải qua các cơn sốt đất sau khi thông tin lắng xuống khả năng cao sẽ giảm mạnh. Thị trường bất động sản đang chững lại, giá một số phân khúc cũng ít biến động. Phân khúc nhu cầu ở thực sau khi có thêm nguồn cung thì giá có thể sẽ giảm nhẹ".
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong những tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Theo ông Hiển, bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Ông Hiển chia sẻ: "Tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố… đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản có thể được nhà đầu tư bán giảm 20-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Bất động sản ở khu vực lân cận cận độ thị còn khả năng về đô thị hóa nhưng vẫn phải chờ thời gian, chờ hạ tầng hoàn thiện sẽ giảm 10-20%".
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội khẳng định, hiện tại đất nền tại nhiều khu vực đang có lượng thanh khoản sụt giảm, sau khi đã tăng nóng. Tuy nhiên, về dài hạn nhà đầu tư sẽ không "quay lưng" với đất nền.
"Đất nền vẫn được đánh giá cao là phân khúc có lợi nhuận lớn và dễ đầu tư hơn so phân khúc khác như chung cư, bất động sản du lịch,... Tuy nhiên, đây là phân khúc có tính đầu cơ cao và đã tăng nhanh nên thời điểm này là giai đoạn để điều chỉnh. Đất nền sẽ giảm giá ở những khu vực chưa thể đưa vào khai thác được, còn những lô nằm ở vị trí đẹp, vẫn có giao dịch tốt", ông Điệp nhận định.
Ông Rich Nguyen, Giám đốc Rich Academy, giám đốc sáng lập và điều hành quỹ đầu tư bất động sản Rich Invest cho biết, thị trường 6 tháng cuối năm tiếp tục sẽ đi vào tình trạng trầm lắng. Nguyên nhân là những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, chính sách tiền tệ với việc siết chặt tín dụng vào bất động sản. Tăng trưởng tín dụng hiện nay đạt 9,34% đạt gần 2/3 kế hoạch đầu năm dẫn đến các ngân hàng siết chặt lại cho vay, ảnh hưởng tới nhiều ngành, trong đó có bất động sản.
Huyền Diệu