Nhiều dự án trọng điểm tại Bình Thuận vượt tiến độ dự kiến
Để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tại tỉnh Bình Thuận đã có nhiều dự án trọng điểm được triển khai như dự án sân bay Phan Thiết, cao tốc và dự án đường ven biển... Dự kiến các dự án này sẽ về đích trước hạn.
Dự án sân bay sớm về đích
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2022, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Trong đó, tỉnh Bình Thuận đã tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm. Nhất là đối với công tác bàn giao mặt bằng và giải quyết dứt điểm về nguồn nguyên liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; điều chỉnh chủ trương đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng).
Được biết, Dự án sân bay Phan Thiết tại xã Thiên Nghiệp (TP. Phan Thiết) đã được Bộ Quốc phòng triển khai thi công theo hình thức đầu tư công. Sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2009, rộng 543 ha. Dự án từng được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó tạm dừng.
Đến năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên cấp 4E, đường băng dài từ 2.400m lên 3.050m để có thể khai thác các chuyến bay quốc tế trong tương lai. Một năm sau, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là một trong 15 cảng hàng không nội địa trên cả nước có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1, tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng.
Trong suốt quá trình triển khai, nhận định được tầm quan trọng của dự án tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, 13/12/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và UBND các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sân bay Phan Thiết.
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích để xây dựng sân bay Phan Thiết là 545,56ha; trong đó mặt bằng sân bay 543ha và đường dẫn bay 2,56ha. Bình Thuận bàn giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150ha (khu vực quân sự) và 247,4ha diện tích đất khu bay dùng chung cho cả quân sự và dân sự.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng bàn giao cho nhà đầu tư BOT quản lý diện tích 144,6ha để xây dựng khu hàng không dân dụng; đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thu hồi 62.817/100.162m2 để xây khu nhà công vụ quân sự. Đường vào sân bay Phan Thiết đã hoàn thành giai đoạn 1, các hạng mục tiếp theo vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ và hứa hẹn dự án sẽ về đích vào cuối năm nay. Sau khi dự án hoàn thành hứa hẹn sẽ là “đòn bẩy” mạnh mẽ cho ngành du lịch Bình Thuận.
Phát triển đồng bộ hạ tầng
Cùng với dDự án sân bay Phan Thiết, thì hiện Dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng đang gấp rút để hoàn thành đúng thời hạn. Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, UBND hai tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai cũng chỉ đạo sát sao, yêu cầu các Sở ngành tập trung, khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại gỡ bỏ những khó khăn về nguồn nguyên liệu đất đắp, giải phóng mặt bằng,… Đến nay, tiến độ gói thầu số 1, 2 của Dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành đạt mục tiêu và một số hạng mục còn có tiến độ vượt kế hoạch đề ra.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cho biết, toàn tuyến cơ bản đã liền mạch, chỉ còn một số điểm đặc thù như nút giao, cầu vượt, đường điện cao thế… Với tiến độ thi công như hiện nay, ông Thái cho biết, dự án đang đảm bảo kế hoạch như Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt trước đó.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thuộc một trong ba dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đoạn Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, có chiều dài khoảng 99 km. Điểm đầu kết nối điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 235+000, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam; điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km 43+125 thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Dự án được khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 9/2020; trong giai đoạn 1 được xây dựng theo thiết kế mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe với vận tốc thiết kế 120 km/h với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỉ đồng. Theo hợp đồng nhà thầu ký với chủ đầu tư các gói thầu nằm trong dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự án rút ngắn hành trình từ TP. HCM đi đến các trung tâm kinh tế, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam trung bộ, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông…
Bên cạnh hai siêu dự án sân bay và cao tốc sắp về đích vào năm 2022, tỉnh Bình Thuận cũng tập trung nâng cấp, mở rộng các trục đường ven biển. Vào tháng 11/2020, tỉnh đã khởi công hai tuyến đường ven biển quốc gia, gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà đi La Gi, dự kiến hoàn thiện tháng 4/2023.
Dự án thứ hai là làm mới đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, dự kiến khai thác đầu năm 2024. Theo quy hoạch, tim tuyến đường mới ven biển ĐT.719B chạy hoàn toàn song song và cách đường ĐT.719 trung bình 1,5 – 3 km. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu về giao thông, nhằm kết nối giao thông từ quốc lộ 1A đến khu Tiến Thành, tạo điều kiện thuận lợi khai thác quỹ đất dọc tuyến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến Bình Thuận. Đây là những dự án trọng điểm, có tính chất kết nối, thúc đẩy phát triển vùng của tỉnh, do đó đã được UBND tỉnh quan tâm đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận (thuộc Sở GTVT) cho biết, đang hoàn tất hồ sơ để đấu thầu 5 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và dự kiến khởi công trong năm 2022 gồm: Đoạn đường ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải, cầu Văn Thánh, Tân Minh - Sơn Mỹ, nâng cấp mở rộng đường Bà Tá - Trà Lân, xây cầu qua tràn tuyến Liên Hương - Phan Dũng. Điều này cho thấy quyết tâm bứt phá của tỉnh Bình Thuận mà hạ tầng là động lực chủ đạo.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư công, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân tốt kế hoạch đầu tư công. Chú ý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó, trọng tâm các lĩnh vực chính là giao thông, thủy lợi, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và chỉnh trang đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình trọng tâm, trọng điểm bức xúc của tỉnh. Giải quyết kịp thời các nội dung, vướng mắc của doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng.
Tùng Anh