Chính phủ đồng ý chủ trương lập quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm
Khánh Hòa cho rằng huyện Cam Lâm đủ cơ sở để phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, là khu vực có chức năng kết nối các thành phố của tỉnh Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm song song với việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc xác định cụ thể phạm vi lập quy hoạch, tính chất, chức năng, quy mô dân số và các chỉ tiêu tương ứng với đô thị mới phải được nghiên cứu tính toán kỹ, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, hiện trạng dân số, các tiềm năng phát triển trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới huyện Cam Lâm theo đúng quy định.
“UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung huyện Cam Lâm, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, định hướng của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo tính khả thi. Bộ Xây dựng chủ trì, hướng dẫn UBND tỉnh trong quá trình triển khai lập nhiệm vụ và đồ án này theo quy định; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, văn bản nêu rõ.
Theo tìm hiểu, huyện Cam Lâm có diện tích tự nhiên hơn 550 km2, dân số 105.759 người (tại thời điểm 2014), tương đương 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh Khánh Hòa. Huyện Cam Lâm có thị trấn Cam Đức hiện là đô thị loại V.
Trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cam Lâm.
Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của Cam Lâm là hơn 54.659 ha. Trong đó, đất phi nông nghiệp được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm.
Trong đó, đất thương mại dịch vụ tăng mạnh từ 623ha lên 1.815ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400ha, trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155ha. Ngoài ra, đất chưa sử dụng của Cam Lâm cũng giảm mạnh từ 1.565ha còn 613ha.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện Cam Lâm là huyện nằm giữa TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Phía Đông huyện tiếp giáp với biển Đông với bờ biển dài 13km và các hướng còn lại giáp các huyện và thành phố lân cận như Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh.
Về giao thông, huyện Cam Lâm gần như là “điểm đến của mọi nẻo đường”, với hàng loạt hệ thống giao thông đi qua địa bàn huyện như tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường sắt Bắc – Nam, đường biển qua cảng Cam Ranh, đường hàng không khi nằm bên cạnh Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
Về tiềm năng du lịch, điều đáng kể nhất chính là huyện Cam Lâm sở hữu Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nằm men theo 10km đường bờ biển. Hiện nay, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã hoạt động và tiếp tục phát triển với hơn 40 dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn du khách quốc tế. Khu du lịch này lại nằm bên cạnh và trên cùng trục đại lộ Nguyễn Tất Thành với Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
“Với những tiềm năng nêu trên, huyện Cam Lâm đủ cơ sở để phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, là khu vực có chức năng kết nối các thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Việc lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh là phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của địa phương và tỉnh Khánh Hòa”, UBND tỉnh Khánh Hòa lý giải.