Nhận định chứng khoán ngày 1/3: Áp lực tăng cao, giằng co quanh vùng giá 1.489 – 1.512 điểm
Thị trường hôm nay giảm điểm trong bối cảnh thanh khoản giảm và ở mức trung bình 20 phiên. Theo nhận định của công ty chứng khoán, phiên ngày 1/3/2022 nếu đàm phán Nga-Ukraine thất bại, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn.
Thị trường trong nước điều chỉnh sau khi giảm nhẹ trong tuần trước, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng, thanh khoản vì vậy giảm so với bình quân tuần trước. Sức ép từ nhóm bluechips tiếp tục khiến dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ.
Nổi bật trong phiên hôm nay ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thì nhóm cổ phiếu thép, phân bón, dệt may, thủy sản,… Bên cạnh đó, gây áp lực giảm cho thị trường cũng đến từ hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE còn 22.608 tỷ đồng so với mức bình quân 25.763 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 693 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công so với mức bình quân 729 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Phân tích kỹ thuật VN30-Index, trong phiên giao dịch ngày 28/02/2022, VN30-Index tiếp tục có phiên biến động và vẫn chưa xác định được phương hướng rõ ràng khi lực mua và bán đang khá giằng co nhau trên nền là đường SMA 50 và 100 ngày.
Khối lượng giao dịch duy trì ngang mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn tham gia tích cực vào thị trường.
Tuy nhiên, chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator chưa cho thấy tín hiệu quay đầu trở lại. Điều này thể hiện rủi ro điều chỉnh của thị trường là vẫn còn.
Theo nhận định, trong phiên giao dịch 1/3/2022 nếu đàm phán Nga và Ukraine thất bại và leo thang căng thẳng, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Dưới đây là tổng hợp nhận định của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 1/3:
VN-Index chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới
(CTCK Đông Á - DAS)
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa gặp bất lợi đáng kể nào từ tin tức chiến tranh cục bộ khu vực Đông Âu, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động tâm lý từ sự giảm điểm của các thị trường chứng khoán quốc tế.
Đa số các nhóm ngành bị giảm điểm, tuy nhiên có vài nhóm ngành hưởng lợi như dầu khí, thép, phân bón và than. Nhà đầu tư có thể tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận trên nhóm cổ phiếu này khi kỳ vọng căng thẳng nguồn cung các nhóm mặt hang này sẽ còn kéo dài.
VN-Index có kháng cự ở 1.510 điểm, khả năng trong những phiên tới số cổ phiếu bắt đáy về tài khoản thì việc bán ra còn tiếp diễn, VN-Index vẫn chịu áp lực giảm điểm.
Áp lực bán khiến VN-Index giảm điểm
(CTCK Asean - Aseansc)
Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ và ở mức trung bình 20 phiên. Nguyên nhân chủ yếu do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, cùng với đó là việc dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại thị trường đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.495 – 1.500 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.485 – 1.490 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.475 – 1.480 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Tâm lý lo ngại vẫn hiện hữu
(CTCK Mirae Asset - MASVN)
Đây là phiên thứ 3 liên tục VN-Index đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, thể hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn khá lo ngại trước những căng thẳng chính trị tại Châu Âu và rủi ro vĩ mô. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, VN-index đóng cửa tại 1.490 điểm, giảm 8,8 điểm, tương ứng 0,6%, so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ổn định.
Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae đã quay về mức -4, thể hiện trạng thái TIÊU CỰC trong ngắn hạn. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, hệ số P/E của VN-Index là 16,9x.
Tiếp tục tích lũy với thanh khoản không cao
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Mặc dù giảm điểm, tuy nhiên nhìn chung thì xu hướng hiện tại của chỉ số chung vẫn là khá tích cực và thị trường sẽ cần thêm thông tin hỗ trợ để tiếp tục duy trì xu hướng này. Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như chỉ số VN-Index đều đang có xu hướng kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất.
VCBS nhận định diễn biến chủ đạo trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn là dao động tích lũy với thanh khoản không cao trong vùng 1.480 – 1.520 điểm. Với việc các chỉ báo kỹ thuật chưa xuất hiện tín hiệu đột biến mới nào, chúng tôi bảo lưu quan điểm đã đưa ra ở các phiên trước, theo đó nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này và chưa nên lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn chỉ số chung chưa rõ xu hướng ngắn hạn như hiện tại.