Nhận định chứng khoán ngày 28/2: Xu hướng thị trường và những cổ phiếu cần lưu ý
Theo dự báo của công ty chứng khoán, phiên ngày 28/2 áp lực bán sẽ gây khó khăn cho VN30-Index, chỉ số tiếp tục bị cản, tiềm ẩn rủi ro suy giảm. Bên cạnh đó các công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch.
Kết phiên tuần trước thị trường chứng khoán phái sinh diễn biến tích cực với sự tăng giá của các hợp đồng tương lai (HĐTL).
Cụ thể, HĐ VN30F2203 đóng cửa tăng 2,3 điểm lên 1.517 điểm. Diễn biến cùng chiều, hai hợp đồng VN30F2204 và VN30F2206 tăng lần lượt 1,1 và 2,7 điểm lên 1.513,9 điểm và 1.506,7 điểm. Tương tự, HĐ VN30F2209 đóng cửa tại 1.511,5 điểm, tương ứng tăng 11,9 điểm.
Về thanh khoản, khối lượng giao dịch VN30F2202 đạt 127.673 hợp đồng, VN30F2203 đạt 248 hợp đồng, VN30F2206 và VN30F2209 đạt lần lượt 45 và 62 hợp đồng.
VN30-Index tiếp tục bị cản tại vùng 1.540 điểm và lùi bước. Điều này cho thấy áp lực bán tiếp tục gây khó khăn cho chỉ số. Dự kiến VN30-Index sẽ tiếp tục bị cản trong thời gian tới và có tiềm ẩn rủi ro suy giảm.
Trong tuần tới (28/02-04/03/2022), nếu tình hình vĩ mô bớt tiêu cực và tâm lý nhà đầu tư lạc quan trở lại sẽ giúp VN30-Index có cơ hội chạm đến vùng 1.560-1.580 điểm (đỉnh lịch sử tháng 11/2021).
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), VN30F2203 điều chỉnh từ vùng kháng cự mạnh 1.528 - 1.529 điểm tương ứng khoản trống giá xuống và ngưỡng 78,6% Fibo Retracement. Hệ thống 2 đường MA (20) và MA (50) vẫn đang cho tín hiệu giảm trong phiên khi đường MA (20) ở dưới MA (50) và giá đang tạo đỉnh đáy sau thấp hơn.
Theo góc nhìn sóng Elliott, VN30F2203 cũng đã hoàn thành sóng C của dạng sóng điều chỉnh Zigzag (A-B-C) tại ngưỡng 1.529,8 điểm. Trên khung Daily, xu hướng của VN30F2203 vẫn đang đi ngang với hỗ trợ tại 1.503 điểm và kháng cự tại 1.540 - 1.550 điểm.
Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra nhận định, các HĐTL đều tăng điểm theo nhịp vận động của chỉ số VN30. Xét về khối lượng giao dịch, các HĐTL đều giảm. Xét về vị thế mở, các HĐ đều tăng, trừ VN30F2209. Điểm số tăng và lượng hợp đồng mở tăng cho thấy xu hướng theo chiều long. Các nhà đầu tư có thể canh Mua (Long) HĐ ngắn hạn.
Dưới đây là tổng hợp báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 28/2/2022:
Công ty chứng khoán VNDirect – VND
Hạ khuyến nghị xuống trung lập cho cổ phiếu TPB với mức giá 41.100 đồng/cp
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE - Mã: TPB) ghi nhận LN ròng năm 2021 tăng 37,6% svck (cao hơn 4,6% dự báo của VND) dựa trên tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) 30,5% svck và hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí.
Tăng trưởng tín dụng đạt 21,8% được dẫn dắt bởi tăng trưởng cho vay (+18% svck) và mảng trái phiếu doanh nghiệp (+65% svck). Thu nhập ngoài lãi tăng 30% svck nhờ vào mảng bảo hiểm (+66% svck) và phí dịch vụ (+50,5% svck).
TPB sẽ tiếp tục duy trì chiến lược tập trung vào mảng bán lẻ, dựa trên việc đã là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng ngân hàng số với một lợi thế cạnh tranh bền vững (khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng với qui trình cho vay đơn giản và nhanh chóng).
VND kỳ vọng TPB sẽ đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn so với toàn ngành là 22%/20% trong giai đoạn 2022-23 dựa trên tỷ lệ an toàn vốn cao của ngân hàng (14% so với ngành là 9-12%).
TPB đang giao dịch ở mức P/BV 2 lần, cao hơn trung bình ngành 1,9 lần và tương đương mức +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm; vì vậy VND tin rằng tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng đã được phản ánh vào giá. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi 41.100đ/cp.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC
NĐT nên chú ý vào nhóm bán lẻ trong ngắn và trung hạn
Mức Sector Rating của nhóm Bán lẻ ở mức 82 điểm cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này.
Việc nới room tín dụng cũng như gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ được xem là những động lực hỗ trợ tăng trưởng cho ngành bán lẻ trong năm 2022 sau thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Theo ước tính đồng thuận của thị trường, dự phóng P/E 2022 ở mức 15,3x cho thấy mức định giá hấp dẫn và nhóm Bán lẻ vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Chỉ số nhóm Bán lẻ đóng cửa tăng 1,7% trong phiên 24/02/2022 và tăng 7% so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn duy trì đà tăng và đồ thị giá của nhóm cổ phiếu này vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt Sức mạnh giá của nhóm này trên 90 điểm cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn đang bền vững.
Các NĐT ngắn hạn dừng mua và xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu FRT
Mức Stock Rating của FRT (CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT-Sàn HOSE) ở mức 97 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá đang trên mức 98 điểm cho thấy dư địa tăng trưởng của cổ phiếu này không còn nhiều.
Đồ thị giá của FRT đóng cửa tăng 7% với KLGD vẫn duy trì trên mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.
Theo mô hình giá, đồ thị giá có thể tiếp tục hướng về mức 133,88, tức cổ phiếu FRT có khả năng tăng thêm 7% so với mức giá hiện tại.
FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu FRT vào ngày 08/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 32,94%. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn dừng mua và xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu FRT.
Công ty chứng khoán BIDV – BSC
NĐT chốt lãi cổ phiếu VGT tại ngưỡng 33.000 đồng/cp
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM – Mã: VGT) có một phiên tăng điểm tốt khi cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu trong các phiên giao dịch gần đây.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 27.000 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 33.000 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 24.000 đồng/cp.