0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 31/07/2020 14:18 (GMT+7)

Nhà đầu tư BĐS đối phó như thế nào với đại dịch Covid-19 ‘quay trở lại’ Việt Nam

Đại dịch Covid-19 “quay trở lại VN lần 2” khiến cho thị trường khách sạn và resort tại Đà Nẵng chịu tác động sớm nhất khi hàng loạt dịch vụ nghỉ dưỡng bị huỷ.

Theo Savills Hotels, cho dù dịch trở lại thì ngành BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực trong tiềm năng phát triển của giai đoạn trung và dài hạn.

BĐS Nghỉ dưỡng vẫn có nhiều điểm sáng phát triển

Savills Việt Nam nhận định tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng sẽ có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí tại Việt Nam với từng mức độ khác nhau. Thị trường khách sạn và resort tại Đà Nẵng sẽ chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9. Một số khách sạn và resort cho phép khách hàng chuyển các đặt phòng đã thực hiện sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Các đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Vì vậy các khách sạn và resort có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm như những năm trước đây.



Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiềm năng trong trung, dài hạn


Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dươn cho rằng, hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại trong vài tuần tới đồng thời lượt khách du lịch nội địa cũng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Nguồn doanh thu từ việc tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ bị ảnh hưởng khi các sự kiện lớn cũng có thể bị hủy hoặc dời lại.

Nhận định về các kịch bản sắp tới cho ngành du lịch, ông Mauro nói thêm tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài ngày tới. Ông hy vọng sẽ có ít ca nhiễm mới đồng thời các nguồn lây lan sẽ sớm được khoanh vùng. Khi đó du khách nội địa sẽ cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại. Cũng theo vị này, sẽ phải mất ít nhất một vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. Dù thế, đại diện này vẫn có cái nhìn tích cực vào tiềm năng phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong trung và dài hạn.

Các Doanh nghiệp BĐS bật chế độ phòng dịch

Trước thông tin Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng khu vực phía Nam cũng bắt đầu có sự chuẩn bị phòng chống dịch bệnh nhằm giải thiểu nguy cơ tái lây nhiễm trong cộng đồng.

Công ty Thắng Lợi Group, doanh nghiệp phát triển bất động sản tại Long An, vừa ra thông báo khẩn cho nhân viên, chính thức kích hoạt chế độ phòng chống dịch từ ngày 27/7. Theo thông báo này, toàn thể nhân viên công ty phải thực hiện nghiêm các quy định về việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, tránh tụ tập đông người... Đồng thời, cán bộ nhân viên trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người trở về từ vùng có dịch cần trung thực khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm cần thiết.



Doanh nghiệp địa ốc và xây dựng 'kích hoạt' chế độ phòng dịch


Giải pháp trên của doanh nghiệp không phải là cá biệt. Công ty Nam Long, đơn vị đang triển khai nhiều dự án tại TP HCM cũng như Long An, cho biết đang duy trì hoạt động đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay bằng cồn khi khách tham quan nhà mẫu. Vừa qua, công ty đã kịp ra mắt một số sản phẩm hạng sang tại dự án Waterpoint Long An, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cao cấp. Do chưa có kế hoạch tung ra sản phẩm trong thời điểm này nên tình hình dịch bệnh tạm thời không ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng của doanh nghiệp.

Với đặc thù xây dựng nhiều dự án ở các tỉnh, thành khác nhau, các đơn vị nhà thầu lớn có trụ sở tại TP HCM cũng bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát dịch. Những nhà thầu xây dựng đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, Ricons đều khởi động lại công tác kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang khi làm việc, rửa tay sát khuẩn tại các công trường, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, hạn chế tụ tập đông người, khai báo y tế kịp thời...

Các doanh nghiệp cũng cho rằng sẽ tiếp tục giữ ổn định hoạt động, hỗ trợ khách hàng từ xa, thực hiện song song việc bán hàng trực tuyến qua ứng dụng đã được xây dựng sẵn. Trong đợt bùng phát Covid-19 hồi tháng 3 - 4, nhiều ứng dụng bán hàng trực tuyến được sử dụng, tránh việc tiếp xúc xã hội nên các doanh nghiệp không còn bỡ ngỡ.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Nhà đầu tư BĐS đối phó như thế nào với đại dịch Covid-19 ‘quay trở lại’ Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới