Nghệ An hoàn thiện đề án phát triển đàn dê giai đoạn 2020- 2025
Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn dê, với diện tích đồi núi trên 1,3 triệu ha.
Tại cuộc họp diễn ra chiều 18/8, UBND tỉnh Nghệ An đã nghe và tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Đề án "Phát triển đàn dê tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020- 2025".
Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2019, Nghệ An có 118.434 con dê thịt, 47.514 dê sinh sản và 59.537 dê con, chủ yếu tập trung nhiều ở vùng núi thấp và cơ bản là giống dê cỏ địa phương. Chăn nuôi dê ở Nghệ An chủ yếu đang theo phương thức chăn nuôi nông hộ; chăn nuôi trang trại chỉ mới chiếm khoảng 1,5- 2% tổng đàn.
Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn dê, với diện tích đồi núi trên 1,3 triệu ha, đất chưa sử dụng trên 53.000 ha. Trong khi đó, nuôi dê đòi hỏi vốn đầu tư không lớn nhưng lại quay vòng nhanh, lợi nhuận cao, ít rủi ro về dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn. Đây được coi là những lợi thế cần tận dụng tốt, nhất là khi dịch bệnh đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm.
Nghệ An hoàn thiện đề án phát triển đàn dê
Theo chuyên gia khuyến nông, dê là con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đa dạng, ngoài ăn cỏ xanh, chúng còn ăn nhiều loại lá cây khác như xoan, mít, chuối, sung là những loại cây rất sẵn ở địa phương nên rất thuận lợi trong chăn nuôi.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng loại thực phẩm này ngày càng tăng, kể cả trong nước và một số thị trường như Trung Quốc, các nước EU…
Chính bởi vậy, giai đoạn 2020- 2025, Nghệ An chủ trương phát triển đàn dê theo hướng quy mô trang trại, nông hộ, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phát triển sản phẩm dê đặc sản chất lượng cao của Nghệ An. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 4- 4,5%, năm 2025 tổng đàn dê đạt trên 285.000 con, sản lượng thịt dê xuất chuồng đạt khoảng trên 3.000 tấn, phấn đấu giá trị sản xuất, chăn nuôi dê đạt khoảng 450- 500 tỷ đồng.
Đại diện các địa phương và ngành liên quan cũng đưa ý kiến về một số vấn đề như: Chỉ tiêu phát triển đàn dê; hình thức chăn nuôi nông hộ vẫn chủ yếu thì có phù hợp không; nguồn giống dê có nên phát triển giống dê lai không hay vẫn sử dụng giống dê cỏ để giữ được chất lượng và thương hiệu sản phẩm dê; vấn đề thị trường tiêu thụ như thế nào…
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu rõ: Hiệu quả của phát triển đàn dê đã được chứng minh từ thực tế chăn nuôi dê tại các địa phương Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ… Đây cần được coi là cơ sở thực tiễn để các địa phương tham khảo, phát triển mở rộng quy mô.
UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo đề án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện đề án; phải xác định rõ tính cần thiết của việc xây dựng đề án; rà soát lại tính phù hợp của một số chỉ tiêu; bổ sung các cơ chế, chính sách; phân vùng cụ thể để có hướng phát triển phù hợp.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm